Thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 2 (quê xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) không thể nào quên kỷ niệm cùng đồng đội cứu sống một cán bộ Công an Lào khi ông sang nước bạn công tác.
Thiếu tướng Trần Tiến Cung (trái) và Đại tướng Văn Tiến Dũng. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Theo dòng hồi ức của vị Tướng tình báo, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, bọn phản động ở nước ngoài thường đưa người qua Lào, sau đó mới xâm nhập vào Việt Nam. Bấy giờ, Đoàn trưởng Đoàn 11 Trần Tiến Cung (Tổng cục 2) được phân công nhiệm vụ sang tỉnh Chăm-pa-sắc (Lào) để nắm tình hình. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của lực lượng quân đội và Công an tỉnh bạn nên ta nắm chắc tình hình của bọn phản động Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn từ khi chúng mới hình thành lực lượng, vượt biên giới Thái Lan qua Lào để về Việt Nam. Cũng từ những ngày ân nghĩa đó, nhiều kỷ niệm về tình bạn, quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào đã khắc sâu trong tâm trí Trần Tiến Cung. Khi nhắc đến giai đoạn phối hợp hoạt động này, ông không quên kỷ niệm cứu sống một cán bộ Công an Lào. Vì với ông, đó là sự may mắn hiếm có, thiết thực góp phần vun đắp tình hữu nghị hai nước đời đời bền vững.
Cuối năm 1990, trong một lần sang phối hợp công tác, Trần Tiến Cung nhận thấy không khí làm việc của cơ quan Công an Chăm-pa-sắc không vui như mọi khi. Ông linh cảm có chuyện chẳng lành vì trước đó, ông đã nhiều lần đến Sở Công an làm việc, thăm gia đình đồng chí Đại tá U đôn - Giám đốc Sở. Vì vậy, khi gặp Đại tá U đôn, Trần Tiến Cung hỏi ngay: “Bữa nay anh sao lại buồn?”. Giám đốc Sở Công an Chăm-pa-sắc tâm sự: “Cô Van Thoon là cán bộ Công an tỉnh bị đau bụng, nhưng không rõ bệnh gì. Chúng tôi đã đưa sang Thái Lan điều trị, song không được. Họ mổ ra rồi khâu lại và cho đưa về chữa chạy thêm nhưng sớm muộn gì cũng không qua khỏi!”. Vị Tướng kể tiếp: “Hôm tôi đến thì họ đưa cô ấy về. Tôi đến thăm thấy thương quá và nghĩ còn nước còn tát chứ không thể bỏ mặc được nên nghĩ tìm cách đưa cô ấy về Việt Nam để chữa trị”.
Trong lúc Đại tá U đôn vẫn e ngại thì Trần Tiến Cung trả lời: “Thầy thuốc Thái Lan đã bó tay rồi, về Việt Nam cứu được hay không cứu được là vấn đề khó, nhưng còn nước còn tát. Trên tinh thần anh em, hữu nghị đoàn kết với nhau, tôi sẽ hết mình”.
Sau đó, họ thống nhất nội dung công việc tiếp theo: U đôn báo cáo với Tỉnh ủy Chăm-pa-sắc xin đưa Van thoon sang Việt Nam chữa trị. Còn Trần Tiến Cung về Việt Nam, đề nghị cơ quan đơn vị tiếp nhận và chuẩn bị để đón bạn. Nếu có trở ngại thì hai bên kịp thời thông báo cho nhau. Đại tá U đôn chịu trách nhiệm đưa Van Thoon sang Việt Nam. Biết U đôn chưa đến Đà Nẵng lần nào, Trần Tiến Cung lưu ý: “Đoạn đường từ Chăm-pa-sắc về Đà Nẵng dài hơn 500km, rất phức tạp nên anh phải bảo đảm cho cô ấy khỏe”. Đại tá U đôn khảng khái đáp: “Nếu Tỉnh ủy đồng ý, tôi sẵn sàng”.
Đoàn trưởng Trần Tiến Cung báo cáo với đơn vị và được nhất trí đưa Van Thoon về. Bên kia, Tỉnh ủy Chăm-pa-sắc cũng đồng ý cho Giám đốc Sở Công an U đôn trực tiếp đưa Van thoon sang Việt Nam chữa bệnh. Trần Tiến Cung nhanh chóng bố trí nơi ở, phân công lực lượng đón tiếp, chăm sóc. Ông giao nhiệm vụ cho nhân viên nhà bếp và các đồng chí thường qua Lào công tác tổ chức chế biến các món ăn của Lào; đồng thời cắt cử một bộ phận y tế chuyên trách, do bác sĩ Bùi Quang Thắng và nữ y sĩ Hà chịu trách nhiệm chính. Trong đó, y sĩ Hà có nhiệm vụ giúp cô Van thoon, giặt quần áo, tiêm thuốc...
Hoàn tất mọi công tác chuẩn bị tại đơn vị, ông cùng bác sĩ Thắng ra liên hệ với Bệnh viện Đà Nẵng đề nghị giúp đỡ.
Khi Đoàn 11 và Bệnh viện Đà Nẵng chuẩn bị xong thì hôm sau xe của Đại tá U đôn đến. Lúc này, Van Thoon vẫn tỉnh táo nhưng người gầy, đi lại phải có người dìu. Sau khi tiếp nhận “bệnh nhân đặc biệt”, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã khám rất kỹ và kết luận Van Thoon mắc liền hai bệnh: bệnh phụ khoa và viêm dây thần kinh trong ổ bụng. Cả hai bệnh đều nặng, cần phải mổ gấp. Bệnh viện thành lập hai kíp mổ với kíp một xử lý phụ khoa và kíp hai xử lý thần kinh.
Ca mổ kéo dài hơn 6 giờ. Mổ xong, Van thoon vẫn tỉnh táo, y sĩ Hà ở lại bệnh viện chăm sóc. Khi Đoàn trưởng Trần Tiến Cung và Đại tá U đôn vào thăm, lãnh đạo bệnh viện trao đổi về bệnh tình của cô và hai ca mổ đều tốt, may ra có thể qua được. Dẫu chưa dám kết luận sự sống chết của bệnh nhân, nhưng ai cũng hiểu bước đầu đã thành công. Nhân dịp này, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đề nghị phu nhân Đại tá U đôn khám bệnh, kiểm tra sức khỏe.
5 ngày sau khi mổ, bác sĩ Bùi Quang Thắng nắm tình hình của Van Thoon, báo cáo với chỉ huy đơn vị và Giám đốc U đôn về tiến triển bệnh càng ngày càng tốt, Bệnh viện kết luận cơ bản Van Thoon đã khỏi; hơn 10 ngày có thể xuất viện.
Thiếu tướng Cung nhớ lại: “Khỏi phải nói sự mừng vui của chúng tôi. Tôi đã ôm chầm lấy U đôn và reo lên: Ta đã thành công rồi. Đồng chí của mình đã được cứu sống rồi”. Ra viện, Van Thoon chưa về Lào ngay mà được đưa về Đoàn 11 để bác sĩ Thắng, y sĩ Hà bồi dưỡng thêm vài hôm cho hồi phục sức khỏe.
Khi được hỏi: “Sau này, bác có gặp lại đồng chí Van Thoon không?”, Thiếu tướng Trần Tiến Cung nhớ lại: “Khoảng một năm sau đó, tôi đến cơ quan Công an thăm Đại tá U đôn. Vì đã quen biết nên tôi đi thẳng vào trụ sở hỏi đồng chí trực ban: “Đồng chí U đôn có ở đây không?”. Bất ngờ, đồng chí nữ Công an đứng dậy ôm chầm lấy tôi: “Ô! Bác Cung”. Tôi ngỡ ngàng không biết cô Đại úy có nước da trắng trẻo, vóc dáng cân đối này là ai. “Van Thoon đây! Van Thoon đây này”, cô vừa lắc vai tôi vừa nói”.
Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 20 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại, vị Tướng già vẫn không quên câu nói của người nữ cán bộ Công an Lào Van Thoon: “Các đồng chí Việt Nam đã cứu tôi”. Và ông thầm mong một ngày được gặp lại họ - những người bạn Lào thân thiết.
NGUYỄN SỸ LONG