.

Mai một nghề rèn

.

Thời thịnh của nghề rèn, nếu về Hòa Vang chí ít mỗi xã cũng có từ vài lò đến cả chục lò rèn đỏ lửa suốt ngày để sản xuất nông cụ cho nông dân. Tiếc rằng trước cơn lốc “hiện đại hóa” ngày nay, một nghề truyền thống lâu đời như nghề rèn đang đứng trước nguy cơ xóa sổ trong thời gian đến...

Anh Trần Công Tuấn: Bây giờ không còn ai theo học nghề rèn nữa vì thu nhập thấp và cực quá.
Anh Trần Công Tuấn: Bây giờ không còn ai theo học nghề rèn nữa vì thu nhập thấp và cực quá.

“Đỏ mắt” tìm lò rèn

Ông Lê Công Đình ở thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang - một người từng theo học nghề rèn và cũng có một thời gian sống được với nghề - nói với chúng tôi vẻ đầy tiếc nuối: “Khoảng 15, 20 năm trở về trước, về Hòa Vang có nhắm mắt cũng tìm được lò rèn, vì cứ nghe phì, phò từ bể thổi, hoặc tiếng búa đập chan chát trên đe thì đó là lò rèn rồi. Ngày xưa, tất cả mọi nông cụ như cuốc, rựa, lưỡi liềm... đến con dao xắt rau đều do các lò rèn trong thôn trong xóm làm hết. Vì vậy, nghề này thịnh lắm. Chính vì thế, tôi cũng đi học nghề, học vất vả lắm, nhất là để làm sao họ truyền hết nghề cho mình. Rứa mà chừ các lò rèn rơi rụng dần, số còn lại cũng sống thoi thóp qua ngày, tiếc thật”.

Đúng vậy. Bây giờ tìm được lò rèn ở Hòa Vang không đơn giản. Ngay như tại thôn Lai Châu, xã Hòa Khương - nơi được xem là vùng đất tổ, có nghề rèn lâu đời nhất của đất Hòa Vang - lúc thịnh nhất gần như cả làng đều sống bằng nghề rèn, vậy mà giờ đây khi chúng tôi đến chỉ còn vài lò, nhưng tất cả đều trong tình trạng “đắp chiếu” vì đã hết mùa gặt rồi. Theo chỉ dẫn của những người trong làng, tôi tìm đến một “nhánh” của làng nghề lò rèn Lai Châu ở khu vực cầu vượt Hòa Cầm. Theo những người dân ở đây cho biết, vào những năm sau giải phóng, tại đây có trên chục lò rèn đỏ lửa suốt ngày. Cũng chính từ làng lò rèn này rất nhiều nông cụ như rựa, liềm, cuốc… được bán khắp cả nước và sang tận Campuchia, Lào. Vậy mà giờ đây loay hoay một hồi, tôi mới tìm được lò rèn duy nhất còn lại của ông Ngô Hạnh cũ kỹ nằm khiêm tốn ven đường ray xe lửa. Tâm sự với chúng tôi, ông Hạnh đượm buồn: “Thời xưa làng lò rèn Hòa Cầm này đỏ lửa suốt, có hàng trăm lao động tại đây, hàng làm không kịp bán. Rứa mà chừ chỉ còn mình lò rèn của tôi, nhưng giỏi lắm mỗi tháng chỉ đỏ lửa từ 10-15 ngày”.

Nguy cơ xóa sổ một nghề truyền thống

Anh Trần Công Tuấn, chủ lò rèn ở thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương cho biết anh là đời thứ ba làm nghề rèn này. Đầu tiên là ông nội với cái tên “lò rèn ông Đằng” nổi tiếng cả vùng Hòa Vang, đến nỗi nhiều nông dân ở huyện Điện Bàn, Đại Lộc của Quảng Nam cũng tìm đến đặt làm rựa, cuốc... vì chất lượng tốt. Đến đời ba anh kế tục nghề này và bây giờ đến anh. Bí quyết để làm nông cụ có chất lượng đã được truyền từ ông nội, sang cha và bây giờ đến anh, tuyệt đối không truyền cho người ngoài. Tuy nhiên theo anh Tuấn, đến anh là có thể hết, vì không muốn cho con trai theo nghề này nữa. Thậm chí “nếu có ai theo học thì sẵn sàng truyền hết nghề, thế nhưng có ai học đâu mà truyền”, anh Tuấn nói. Giải thích với chúng tôi, anh Tuấn cho biết, hiện nay nhu cầu giảm mạnh do sản xuất được cơ giới hóa nhiều, trong khi đó hàng làm bằng cơ khí từ các tỉnh miền Bắc bán tràn lan với giá rẻ, khiến cho nghề rèn không còn đất sống. Thỉnh thoảng có người thích sử dụng đồ tốt vẫn đến đặt hàng, nhưng chừng đó thì không thể đỏ lửa cả ngày.

Chung tâm sự này, ông Ngô Hạnh cũng cho biết: “Đến tôi là đời thứ 3, hiện con trai Ngô Đức Anh đang làm nghề rèn là đời thứ 4. Tuy nhiên kéo dài đến đời thứ 5 chắc không được nữa, vì con cháu không ai chịu theo nghề do cực quá lại thu nhập thấp. Thậm chí tôi đã nhận một số người ngoài vô làm với chủ ý sẽ truyền hết nghề, tuy nhiên chỉ mới thử học việc vài ngày họ đã bỏ đi”.

Trong ký ức của nhiều người lớn tuổi về làng quê của mình có lẽ hình ảnh cái lò rèn đã trở nên quen thuộc và gắn bó. Cũng chính từ nơi này, người nông dân có được những nông cụ sản xuất tốt nhất. Thế nhưng nghề rèn đang đứng trước nguy cơ xóa sổ vì đầu ra sản phẩm bị thu hẹp khiến không còn ai mặn mà theo nghề. Có lẽ chỉ 5, 10 năm đến, hình ảnh cái lò rèn sẽ chỉ còn lại trong ký ức.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN
 

;
.
.
.
.
.