Tháng 10 là thời điểm khắp các chi hội phụ nữ trên địa bàn quận Hải Châu rầm rộ mổ heo vàng lấy tiền tiết kiệm giúp những chị em tự lực vươn lên thoát nghèo. Chỉ trong vài tháng, hơn 22.000 con heo đã “xuất chuồng” với lợi nhuận gần 6,2 tỷ đồng.
Nhiều phụ nữ được giúp đỡ từ nguồn nuôi heo đất tiết kiệm. |
Hưởng ứng cách làm hay
Là địa phương có hơn 85% hội viên tự nguyện tham gia phong trào này, Hội LHPN phường Hải Châu 1 trở thành đơn vị dẫn đầu về số tiền tiết kiệm từ nuôi heo đất. Bằng những hành động nhỏ như dành dụm ít tiền chi tiêu hằng ngày, từ đầu năm đến nay, các chị đã tích lũy được gần 35 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hoàn Mỹ, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: “Nhận thức đây là việc làm nhiều ý nghĩa nên hội viên rất nhiệt tình tham gia. Hơn nữa, chúng tôi coi hành động tiết kiệm bỏ ống heo là cách học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Dù phường không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển phong trào này để chia sẻ với những chị em có cuộc sống khó khăn”.
Cầm món quà do Hội LHPN phường Phước Ninh trao tặng từ nguồn nuôi heo đất, chị Thái Lệ Liên (tổ 18, khu phố Phước An) xúc động: “Tôi không có tiền để dư dả nuôi heo đất như các chị, nhưng bây giờ cũng được quan tâm tặng quà và tiền. Cảm ơn Hội Phụ nữ đã nghĩ đến người nghèo khó như chúng tôi. Mong chương trình còn tiếp tục để người cần giúp đỡ được nhờ”.
Quà cho người vượt khó
Chị Phan Thị Thắng Lợi, Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu cho hay: “Mô hình nuôi heo tiết kiệm được triển khai trên địa bàn 3 năm nay. Từ số tiền ít ỏi của mình, mỗi hội viên đã làm được một việc lớn là đem lại niềm vui, nguồn động viên đối với người khác, nhất là những chị em đã tự mình vươn lên, không ỷ lại hay trông chờ vào Nhà nước”.
Dù cùng tên gọi nuôi heo vàng, nhưng mỗi chi hội có một cách làm khác nhau để phong trào đạt hiệu quả cao nhất có thể, như tiết kiệm từ tiền bán phế thải qua phân loại rác tại nguồn, vận động đóng góp một lần thông qua tổ góp vốn quay vòng, tiết kiệm chi tiêu hằng ngày... Ngay cả “giống” heo mỗi nơi cũng mỗi khác. Một cán bộ Hội nói: “Heo bằng đất đập một lần thì phí, nên hội viên sáng tạo bằng cách nuôi heo nhựa để dùng nhiều “lứa”. Có người tận dụng lon sữa bỏ hay bất kể loại đồ dùng nào đó, miễn là có thể cất tiền an toàn”.
Bài và ảnh: TOÀN VÂN