Tới mùa mưa, bà con ở các khu chung cư (KCC) và nhà trọ lại lo ngay ngáy vì tình trạng xuống cấp của công trình và những hệ lụy kèm theo. Và hầu như họ đều phải tự khắc phục khó khăn, vì có kêu cũng như không.
Ông Nguyễn Cử trám xi-măng trên miệng hầm để phân khỏi tống ra ngoài. |
Chung cư: Mới, cũ đều lộ khuyết điểm
Chỉ vào nắp hầm trên vỉa hè chung cư Dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên thuộc địa bàn quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Cử ở nhà 101 bức xúc: “Khoảng hơn 1 tháng nay, không hiểu sao cứ mỗi lúc trời mưa là phân ở đâu lại tràn hết lên mặt sàn, cửa sổ phòng tôi lại ở ngay đây, hôi thối không thể chịu được”. Không chỉ mưa, mà vào những giờ trưa, tình trạng nghẹt cầu trong nhà ông và tống phân ra ngoài vỉa hè cứ tiếp diễn. Những vệt nước dơ chảy dài trước đó vẫn còn để lại màu vàng vàng trên mặt sân. Nhiều người sống ở chung cư dự đoán, có thể do hầm rút được thiết kế không đủ lớn so với nhu cầu dân cư của KCC, nên mới dẫn đến tình trạng trên. Đã báo với người quản lý chung cư nhưng chưa được giải quyết, gia đình ông Cử đành tự mua xi-măng trám chặt nắp hầm để phân không thể tràn lên nữa. “Không hiểu sao người ta lại thiết kế nắp hầm rút ngay đây, nếu làm xa ra chút thì đã không đến nỗi nào. KCC mới đưa vào sử dụng mà đã lộ khuyết điểm rồi”, ông Cử thắc mắc.
Còn tầng trên nhà ông Cử, nhiều nhà nằm ở đầu hồi đều chịu ướt mỗi khi mưa gió. Theo bà Nguyễn Thị Nhiên, một người dân sống ở tầng 4 KCC, thiết kế công trình đã không tính đến việc che chắn cho những hướng dễ bị mưa tạt, nhất là vào những đợt mưa lớn.
Chuyện mưa tạt đối với các nhà ở đầu hồi hoặc nằm ở mặt ngoài các KCC là chuyện thường, mà đối với các KCC cũ, tình trạng xuống cấp của công trình vì mưa lại còn tệ hại hơn. Nhà bà Nguyễn Thị Tâm chuyển lên phòng số 101 KCC Hồ Tùng Mậu gần nửa năm nay, nhưng đã “hứng” mấy đợt mưa. Trong phòng bà, nhiều mảng tường ở sát trần mốc meo do bị thấm dột. Có hôm mưa to, nước tạt hết vào nhà, bà phải cật lực tát ra. Cửa nhà lung lay, rỉ sét vì nhiễm nước mưa lâu ngày chỉ chực bung. Bà Tâm than phiền: “Người ta hứa sẽ hỗ trợ cho tôi sửa chữa nhà từ mấy tháng nay, giờ vẫn chưa thấy gì, trong khi mùa mưa còn dài lắm, không biết bão gió có cầm cự nổi không”.
Nhà thuê: Sống chết mặc bây!
Ở các khu nhà thuê, bị mưa dột, tạt không còn là chuyện hiếm, bởi các chủ nhà thường chỉ quan tâm đến lợi ích và số tiền thuê nhà thu được, không mảy may lo lắng sửa sang nhà cửa cho người thuê trọ.
Thuê nhà nguyên căn kinh doanh từ 6 năm nay, năm nào, cứ tới gần mùa mưa bão, anh Nguyễn Đình, chủ cửa hàng bán điện thoại trên đường Âu Cơ cũng tự bắc thang lên gia cố lại mái tôn. Đổi bên này, đắp bên kia, nhưng khi trời mưa, nước từ mái cứ chảy re re quanh mấy góc nhà. “Năm nay thì chịu. Tôi chịu khó lắm cũng không gia cố nổi. Tôn cũ nhiều năm mục nát cả rồi, cứ chữa bên này, bên kia lại long ra. Mình đi lên còn làm thủng thêm”, anh Đình cho biết. Với diện tích mái gần 60m2, gia đình anh Đình đang tính sẽ tự bỏ kinh phí tu sửa mái tôn, vì e ngại nếu đề nghị chủ sửa chữa, chủ nhà sẽ vin vào đó mà tăng tiền thuê nhà hoặc cắt hợp đồng cho thuê.
Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều nhà trọ khác cho người lao động và sinh viên trên địa bàn quận Liên Chiểu cũng cho thấy tình trạng tương tự như trên. Chị Lê Thị Vy, một người thuê phòng trọ trên đường Nguyễn Chánh cho hay, vì phòng chị hướng ra biển, chủ nhà lại không làm mái cho cửa sổ, nên chỉ cần mưa nhỏ, bao nhiêu nước ngoài trời lại trút hết vào phòng. “Phòng em ở tầng 2, nhưng mỗi lần mưa lớn và nhiều ngày, nước tràn lênh láng cả phòng. Tụi em phải kê nệm và đồ đạc lên, sau đó lấy khăn vắt nước vào xô cả ngày. Báo với chủ cũng như không, mình thuê nhà là phải chịu”, chị Vy nói. Vì lẽ đó, phòng trọ nào cũng chuẩn bị sẵn khăn lau, thau, chậu để... hứng nước trong mùa mưa.
Bài và ảnh: PHONG KHÁNH