.
NGÀY VÌ NGƯỜI NGHÈO (17-10)

Lắng nghe dân nói

.

Hơn 8.000 hộ dân tự tin bước ra khỏi danh sách hộ nghèo của thành phố Đà Nẵng trong năm qua là con số ấn tượng. Đằng sau con số đó là mồ hôi, nước mắt, sự nỗ lực không chỉ của các hộ nghèo mà còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những cách làm hay.

Niềm vui của học sinh huyện Hòa Vang khi được tặng xe đạp.
Niềm vui của học sinh huyện Hòa Vang khi được tặng xe đạp.

Phải có ý chí, nghị lực, quyết tâm vươn lên

 “Chúng tôi luôn mong được gặp lãnh đạo để nói lên nguyện vọng của mình. Tôi không có nghề nghiệp ổn định, chồng lại mất sớm. Các con khó khăn lại bệnh tật. Đầu tắt mặt tối làm thuê cho người ta mà vẫn nghèo. Tôi thấy bế tắc quá!”, bà Huỳnh Thị Ba (57 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) rụt rè lên tiếng trước. Bà Ba đang ở với hai vợ chồng người con trai cùng với 3 đứa cháu nhỏ. Con trai của bà cũng đang bệnh nặng nên làm phụ hồ ngày được ngày không, mọi chi phí trông vào mấy chục ngàn đồng tiền công bà phụ bán quán bún.

Sau tâm tư của bà Ba, cả hội trường quận Liên Chiểu như “nóng” lên trong buổi gặp gỡ đối thoại trực tiếp của lãnh đạo quận với các hộ dân. Những cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở khiến buổi đối thoại như dịp để cùng tâm sự chuyện nhà, chuyện khó khăn trong cuộc sống. Hơn 100 hộ đặc biệt nghèo là hơn 100 mảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia.

“Đối với chị Ba và nhiều chị em khác ở đây, cái khó căn bản nhất vẫn do chưa có việc làm ổn định. Địa phương của chúng ta có rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn, tạo việc làm phù hợp để giúp các chị. Nhưng quan trọng nhất là mình phải có ý chí, nghị lực và quyết tâm vươn lên, rời xa cái nghèo. Các chị có dám làm không?”, lãnh đạo quận Liên Chiểu hỏi lại. Ngay lập tức, lãnh đạo quận hỗ trợ bà Ba 3 triệu đồng để tự mở một quán bún bán cùng người con dâu. Đồng thời, trong 6 tháng đầu, quận hỗ trợ cho gia đình bà 20kg gạo/tháng, cấp học bổng cho cháu trai của bà để cháu tiếp tục đi học.

Còn với bà Nguyễn Thị Lộc, một hộ nghèo, quận cũng hỗ trợ 3 triệu đồng để hai vợ chồng làm nghề bán cá, trợ cấp cho gia đình 6 tháng đầu mỗi tháng 20kg gạo và cấp học bổng cho cháu của bà. Lãnh đạo quận giao cho UBND và Đoàn Thanh niên phường có trách nhiệm đỡ đầu, giám sát việc sử dụng những đồng vốn hỗ trợ đúng mục đích.

Hiểu dân mới làm được

Từ những buổi đối thoại đầu tiên như thế, đến nay, đối thoại với hộ nghèo đã trở thành cách làm không chỉ ở quận Liên Chiểu mà còn diễn ra ở khắp các địa phương như Thanh Khê, Hải Châu…

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Liên Chiểu cho biết: “Nhằm giúp các hộ thoát nghèo bền vững, chúng tôi thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp, đồng thời thành lập đoàn công tác đến tận nhà các hộ nghèo tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, từ đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Những hộ ốm đau được giúp đỡ chữa bệnh, nhà cửa hư hỏng được sửa chữa, hỗ trợ vốn buôn bán, phương tiện sản xuất, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học bổng cho con hộ đặc biệt nghèo, xét đưa vào diện được trợ cấp xã hội đối với các đối tượng đủ điều kiện…”.

Ngoài nguồn hỗ trợ của thành phố, kinh phí của địa phương, quận Liên Chiểu còn huy động các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo dưới nhiều hình thức. Từ năm 2009 đến nay, quận huy động được hơn 10 tỷ đồng để giúp các hộ đặc biệt nghèo. Tính đến cuối năm qua, toàn quận không còn hộ đặc biệt nghèo.

Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố cho rằng: “Đối thoại là cách làm hay. Bởi đây là dịp để lãnh đạo địa phương có thể tiếp xúc, hiểu rõ từng trường hợp cụ thể để có hình thức, mức hỗ trợ, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Điều này thể hiện rõ hơn quyền làm chủ của nhân dân, khiến việc thực hiện các chính sách không chỉ là hình thức. Đây cũng là dịp để các địa phương thông tin tỉ mỉ hơn nữa cho dân những chính sách mới của thành phố để giúp người nghèo”.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng đã phối hợp với các hội, đoàn thể, địa phương cho hơn 1.500 hộ nghèo vay vốn, với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng. Các địa phương cũng huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới và sửa chữa 131 nhà với kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng; mua và cấp hơn 84.000 thẻ BHYT cho người nghèo với hơn 44 tỷ đồng.

Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT thành phố miễn thu học phí đối với gần 3.000 học sinh thuộc diện con gia đình hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Sở LĐ-TB&XH ký hợp đồng với các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho 95 lao động thuộc hộ nghèo, phối hợp với các đơn vị, địa phương hướng dẫn cách làm ăn cho hơn 5.000 lượt người. Thành phố cũng đã bố trí 12 căn hộ chung cư cho hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo… Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng có gần 4.000 hộ vươn lên thoát nghèo, đạt hơn 78% so với Nghị quyết HĐND thành phố giao.

Bài và ảnh: KIM NGÂN
 

;
.
.
.
.
.