.

Những “bóng hồng” trên đồng ruộng

.

Trên nhiều cánh đồng tại xã Hòa Phú, Hòa Minh, Hòa Tiến..., người ta thấy những cô gái ăn mặc đúng mốt và khá xinh xắn khi thì giải thích về cách chăm sóc, bón phân cho cây, hoa, lúc lại giới thiệu một giống cây hoa mới cho hiệu quả kinh tế cao. Đó là nhóm nữ cán bộ Phòng Công nghệ tế bào thực vật thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học.

Các nữ cán bộ Phòng Công nghệ tế bào thí nghiệm một giống cây trồng mới.
Các nữ cán bộ Phòng Công nghệ tế bào thí nghiệm một giống cây trồng mới.

Đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn

Khi được các nữ cán bộ công nghệ sinh học hướng dẫn chăm bón hoa trên mảnh ruộng nhà, bác nông dân Phạm Lực (ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) thắc mắc: “Bón phân mà cũng phải học nữa hả cô Quyên? Tôi đã chăm bón cây cả chục năm rồi mà chỉ bằng kinh nghiệm thôi”. Chị Nguyễn Thị Minh Quyên (34 tuổi), cán bộ Phòng Công nghệ tế bào mỉm cười: “Dạ, kỹ thuật này sẽ giúp cây phát triển tốt hơn, phù hợp với loài hoa mới”.

Rồi chị Quyên hướng dẫn ông Lực cách bón phân sao cho hiệu quả, cách trồng loài cây hoa Cát Tường ở Đà Nẵng, thay thế các giống cây hoa khác. “Ban đầu, các bác ấy đem kỹ thuật trồng cây hoa Cúc áp dụng cho cây Cát Tường theo kinh nghiệm thông thường nhưng thật ra không thể được. Chúng tôi phải thuyết phục và chứng minh bằng thực tế thì các bác mới chịu”, chị Quyên cho biết.

Bằng sự mềm mỏng, dịu dàng, các nữ cán bộ công nghệ sinh học dễ dàng tiếp cận, hướng dẫn và thuyết phục nông dân áp dụng những mô hình mới, mang lại doanh thu cao. Đến nay, việc trồng loài hoa Cát Tường đã được áp dụng tại 17 hộ ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố và được nông dân hưởng ứng.

Thời gian qua, nhờ các cán bộ Phòng Công nghệ tế bào, nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng và thu hiệu quả như: Đề tài Hoàn thiện quy trình sản xuất cây cúc giống thương phẩm từ cây nuôi cấy mô, Đề tài Nghiên cứu xây dựng vườn hoa lan đầu dòng nhằm cung cấp những giống lan có chất lượng và giá trị kinh tế cao cho nghề trồng hoa tại thành phố Đà Nẵng... Một số chương trình được Phòng ứng dụng thực tế cũng thu được kết quả như: Mô hình Đánh giá hiệu quả của chế phẩm sinh học AFA-3 đối với cây cải, ứng dụng chế phẩm GAM-Sorb (gel giữ nước, điều hòa độ ẩm đất) đối với các loại cây trồng theo luống (hoa, rau ăn lá, quả...), mô hình trồng cỏ VA-06, mô hình trồng thương phẩm cây hoa Lan Dendro cắt cành, mô hình trồng cây hoa Cát Tường, mô hình sản xuất rau mầm, mô hình trồng thử nghiệm cây cúc mạ, sản xuất phân vi sinh từ chất thải nấm ăn...

Chia sẻ về công việc của mình, chị Nguyễn Thị Như An (21 tuổi), cán bộ Phòng Công nghệ tế bào thổ lộ: “Nhiều người bảo con gái mà suốt ngày ở phòng thí nghiệm hay lặn lội ngoài đồng ruộng thì dễ già người, nhưng với chúng tôi, đó là niềm vui, là cuộc sống”.

Nỗi niềm... con gái

Những nữ cán bộ công nghệ sinh học cũng có những... nỗi niềm riêng khi đi vùng sâu, vùng xa. Đối mặt với muôn vàn nỗi sợ: sợ cướp, sợ hư xe và cả sợ... ma nữa. Với chị Quyên, kỷ niệm “nhớ đời” là vào tháng 8 năm ngoái, khi cùng nông dân đến một xã của huyện Hòa Vang, chẳng may chị và một nữ đồng nghiệp bị mắc lầy, ngã xe phải vào bệnh viện, đến giờ vẫn còn một sẹo to ở chân.

Mỗi tháng 2 lần, Phòng Công nghệ tế bào đều tự tổ chức thuyết trình với sự tham gia của 19 thành viên, trong đó có đến 13 nữ. Những ý tưởng mới được mỗi người thể hiện và bảo vệ về tính ứng dụng hiệu quả. “Những góp ý thẳng thắn, chân tình của các thành viên trong phòng là ý kiến quý báu để mỗi người củng cố đề tài và có thêm kinh nghiệm khi đứng trước hội đồng thẩm định các cấp nếu đề tài được chọn”, chị Quyên nói.

Nhiều đề tài tưởng như quá quen thuộc nhưng tính ứng dụng cao được các bạn trẻ đề xuất tạo sự ngạc nhiên, bất ngờ với cả phòng như đề tài trồng sen cao sản ở những khu nước đọng không thể trồng lúa bởi sen là cây quen thuộc mọc dễ dàng ở nhiều ao, hồ.

Nói về những nữ đồng nghiệp, anh Võ Quốc Bảo, Trưởng Phòng Công nghệ tế bào hóm hỉnh: “Chị em luôn “ăn điểm” so với anh em ở độ tỉ mỉ và khéo léo, cẩn thận bởi chỉ cần lỡ tay là có thể hủy luôn một thí nghiệm. Tuy nhiên, chị em cũng có những bận bịu riêng nên tôi luôn linh hoạt trong thu xếp thời gian cho chị em để công việc đạt hiệu quả cao nhất”.

Còn theo chị Quyên, hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết. Do vậy, việc đưa khoa học kỹ thuật, giống mới đến cho bà con còn hạn chế. Đó là nỗi trăn trở của những nữ cán bộ công nghệ sinh học nói riêng và những người làm công tác này nói chung.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.