.

Những người “vác tù và hàng tổng”

.

Chỉ với mức trợ cấp 50.000 đồng/tháng, nhưng các cộng tác viên dân số (CTV DS) ở quận Liên Chiểu vẫn tích cực và hăng say với công việc của mình. Điều níu giữ họ làm cái việc “vác tù và hàng tổng” này đơn giản chỉ là sự nhiệt tình và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Các CTV dân số phường Hòa Minh trao đổi công việc với cán bộ chuyên trách dân số.
Các CTV dân số phường Hòa Minh trao đổi công việc với cán bộ chuyên trách dân số.

Nhiệt tình và trách nhiệm

Hòa Minh (quận Liên Chiểu) được xem là phường có số dân đông nhất trong tất cả các phường trên toàn thành phố. Nơi đây, ngoài số dân cư trú đã lâu thì những năm gần đây, việc hình thành các khu nhà liền kề, nhà chung cư, các khu tái định cư mới… khiến dân các nơi khác đến sinh sống ở Hòa Minh ngày càng đông. Ước tính đến nay, Hòa Minh đã có hơn 41.000 dân. Vậy là công việc của các CTV DS cũng theo đó mà thêm phần khó khăn. Chị Võ Thị Nữ, CTV DS phụ trách cả 4 tổ dân phố với hơn 280 hộ dân. Công việc của chị khá vất vả bởi không chỉ tập trung tuyên truyền các vấn đề về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tổ chị cư trú mà còn mở rộng sang 3 tổ liền kề. Chị cho rằng, nếu không nhiệt tình, không tâm huyết thì cũng chẳng theo đuổi công việc này lâu được vì đâu phải dễ để gặp đối tượng cần tuyên truyền. Chị phải tận dụng mọi lúc, mọi thời điểm thích hợp để nói chuyện. Rồi tranh thủ tỉ tê cùng các chị em nằm trong nhóm đối tượng dễ sinh con thứ 3, hoặc những phụ nữ trẻ, mới lập gia đình… để động viên mọi người thực hiện đúng chính sách DS của Nhà nước.

Cũng là CTV DS đã hơn 5 năm, chị Bùi Thị Ánh Tuyết, CTV DS của tổ 35, 36 phường Hòa Minh rút ra nhiều kinh nghiệm thiết thân: “Mình ưa thích, hứng thú với công việc thì mới làm chứ không nhiệt tình thì sẽ bỏ ngay. Quan trọng là phải kiên trì, nhẫn nại hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, động viên để các gia đình hiểu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách DS. Nếu vì người ta làm sai mà mình dùng lời lẽ chỉ trích họ thì nhất định, họ sẽ không bao giờ chịu nghe mình nói nữa”.

Theo chị Vũ Thị Mai, cán bộ chuyên trách DS phường Hòa Minh, mức hỗ trợ 50.000 đồng/tháng chưa đủ để tính công làm báo cáo hằng tháng, thu thập thông tin DS, tuyên truyền các chính sách DS, biện pháp phòng tránh thai và cả tiền xăng xe đi họp giao ban mỗi tháng... Vậy mà nhiều chị vẫn cứ miệt mài với công việc của mình dù gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có khi còn bị nhiều người cho là “rỗi hơi”, lắm chuyện, bị mắng mỏ và quy kết vào cái “tội” là xâm phạm đời tư của gia đình họ. Tuy nhiên, với sự kiên trì và ý thức trách nhiệm với công việc, các CTV DS đã tạo nên sự thay đổi về nhận thức và hành vi liên quan đến việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Hiện nay, 241 CTV DS ở quận Liên Chiểu đều làm việc chủ yếu trên tinh thần tự nguyện là chính. Hiệu quả công việc mà CTV DS mang lại thể hiện ở việc nhận thức của người dân về các biện pháp phòng tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ... được nâng lên rõ rệt. Số gia đình sinh con thứ 3 cũng giảm đáng kể.

Cần động viên kịp thời

Công việc “vác tù và hàng tổng” này cũng lắm truân chuyên nhưng không có và không làm tốt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số và các chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ. “Vì vậy, ở cơ sở, từ bí thư chi bộ đến tổ trưởng tổ dân phố, đại diện các đoàn thể… đều động viên các CTV DS chuyên tâm đảm nhiệm công việc của mình. Và họ sẽ hỗ trợ thêm trong việc cung cấp thông tin, tổ chức các buổi tuyên truyền, gặp gỡ các hộ dân nếu cần. Nơi nào cấp ủy Đảng và chính quyền thật sự quan tâm đến công tác DS và động viên kịp thời thì đội ngũ CTV DS mới được xây dựng chặt chẽ và duy trì hoạt động hiệu quả”, ông Bùi Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Liên Chiểu khẳng định.

Động viên tinh thần là một chuyện, nhưng cũng phải để tâm đến việc cấp kinh phí hỗ trợ mỗi tháng cho các CTV DS. Vì dù ít, hay nhiều cũng tạo niềm vui và sự hứng khởi để CTV DS tiếp tục hoạt động. Ông Bùi Văn Quốc chia sẻ: “Bản thân CTV DS thấy công việc của mình có ý nghĩa và góp phần chăm lo cho đời sống cộng đồng nên coi đó là niềm vui để tiếp tục vai trò của mình. Hơn nữa, người dân cũng cảm kích với việc làm của CTV DS nên cũng động viên họ gắn bó lâu dài. Chứ nếu để tâm đến phụ cấp chắc chẳng ai trụ với việc này. Vì thậm chí, số tiền trợ cấp mỗi tháng đáng được nhận thì từ đầu năm đến tận tháng 10-2012 kinh phí vẫn chưa đến tay họ”.

Thực tế, dù nhận được sự động viên kịp thời về tinh thần và vật chất hay không thì các CTV DS ở quận Liên Chiểu vẫn cứ đảm đương công việc và cố gắng làm một cách tốt nhất có thể. Cho dù họ phải “đi từng nhà, rà từng đối tượng” và rồi phải giữ thái độ bình tình, nhẫn nại trước các đối tượng cần tuyên truyền thì điều họ quan tâm vẫn là làm sao giúp cho cộng đồng xã hội xây dựng được nếp sống văn minh thông qua việc thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ mà Đảng và Nhà nước đã quy định.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.