.

Nỗ lực vượt khó

.

Không ai mong muốn phải rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, nhưng khi cái nghèo ập xuống thì cho dù bạo bệnh hay mất gần hết khả năng lao động cũng phải gượng dậy để vươn lên vì con cái không phải thất học. Những con người ấy, những gia đình ấy đã thật sự đổi đời nhờ ý chí, nghị lực và sự quan tâm kịp thời của chính quyền cơ sở.

Biết vượt qua bệnh tật, chị Nguyễn Thị Mười không những thoát nghèo mà còn là cán bộ phong trào năng nổ của tổ 22, phường Hòa Thọ Đông.
Biết vượt qua bệnh tật, chị Nguyễn Thị Mười không những thoát nghèo mà còn là cán bộ phong trào năng nổ của tổ 22, phường Hòa Thọ Đông.

Sống tốt vì con

Ở tổ 22, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ không ai không biết gia đình chị Nguyễn Thị Mười và anh Nguyễn Tiến Hùng. Cuộc sống mưu sinh vất vả trước đây đủ để hai vợ chồng trang trải sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn học. Bất ngờ, anh Hùng phát hiện mình mắc cùng một lúc 2 căn bệnh khó điều trị là viêm gan và cột sống. Sức khỏe giảm sút, nghề mộc cũng không theo nổi, anh Hùng bỏ nghề ở nhà để chống chọi với những cơn đau quặn thắt trong cột sống. Chị Mười vì lo cho chồng mà lao lực, một mình buôn thúng bán bưng để “gánh” kinh tế gia đình.

Có lúc gánh hàng dọc đường thì chị bị tụt can-xi, ngất xỉu ngay trên đường, được người dân phát hiện sơ cứu. Những lúc như thế chị thấy cuộc sống càng thêm tối tăm. Thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng, kinh tế gia đình túng quẫn, năm 2010 gia đình anh Hùng phải đưa vào diện hộ nghèo để nhận các chính sách hỗ trợ theo quy định. Nhận 15 triệu đồng vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cẩm Lệ, chị Mười dùng một ít tiền để chữa bệnh cho chồng, phần còn lại chị đặt cọc để mua hàng bánh kẹo bỏ các quầy tạp hóa hằng ngày. Ban đầu, từ chiếc xe đạp cọc cạch, sau đó chị mua chiếc xe máy cũ để chở hàng. Cứ như thế, lấy công làm lời, ngày chị kiếm được 100.000 đồng. Ngày ít thì cũng kiếm hơn 50.000 đồng. Tháng 30 ngày, chị phải thức khuya, dậy sớm, vừa nhắc nhở các con học hành, vừa tất tả đi lấy hàng. Thấy vợ lo toan, anh Hùng cũng tìm cách cải thiện kinh tế bằng cách đi chở bánh mì thuê cho đứa cháu. “Không biết vì tinh thần vợ chồng tốt hơn lên không mà sức khỏe tôi cũng như vợ khá lên hẳn. Giờ chỉ tập trung nuôi mấy đứa con ăn học cho tốt để nó thấy ba mẹ không phải vì nghèo mà buông xuôi. Phải sống tốt để con cái thấy cuộc đời ý nghĩa mà biết tự vươn lên”, anh Hùng xúc động chia sẻ. Giữa tháng 6-2012, hai vợ chồng anh Nguyễn Tiến Hùng được chính quyền, đoàn thể đến khảo sát và đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Sẽ là tội, nếu không chịu thoát nghèo

Chị Nguyễn Thị Dung, ở tổ 21, phường Hòa Thọ Đông bị bệnh động kinh. Mỗi khi “trái gió, trở trời”, tính khí chị cũng thay đổi theo. Từ khi phát hiện bệnh, cuộc sống gia đình với 5 miệng ăn chỉ dựa vào sự xoay xở của người chồng. Thấy không đủ sức nuôi con ăn học, chị Dung đề xuất và được hỗ trợ vốn vay sinh kế để mua một tủ bán bún. Vượt qua bệnh tật, chị và các con chăm chỉ làm ăn, mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng. Cứ như thế, không những trang trải cuộc sống mà gia đình chị Dung vươn lên thoát nghèo thành công vào đầu năm 2012. Ở phường Hòa Thọ Đông, còn nhiều trường hợp khác không thụ động ngồi chờ sự hỗ trợ thường xuyên của chính quyền địa phương mà biết tìm mọi cách để thoát nghèo. Như chị Lê Thị Lộc, chồng mất, phải nuôi con ăn học nhưng đã biết phát triển kinh tế hộ gia đình bằng hình thức nuôi gà. Chị Lê Thị Hồng Hiên, mở nhóm trẻ gia đình để có thêm thu nhập. Tất cả họ đều thoát nghèo từ đầu năm 2012.

Chị Ông Thị Bích Liễu, cán bộ chuyên trách xóa nghèo và việc làm của phường Hòa Thọ Đông tâm sự, nhờ đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy về chăm lo cho hộ nghèo nên các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương dồn sức lo cho người nghèo. Nhưng phương châm chính vẫn là “trao cần câu, hơn trao xâu cá”. Điều quan trọng là mỗi gia đình tự thấy cần phải thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm phù hợp. Thế mới thấy, còn hàng trăm gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo, còn khả năng lao động nhưng lại không biết tự vươn lên mà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ hằng tháng của địa phương. Và hệ lụy của câu chuyện không muốn thoát nghèo đã vô tình ngăn cản tương lai của những đứa trẻ phải chịu cảnh lầm lủi trong túng thiếu của cuộc sống.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.