.

Ông lão nhặt rác gác đường tàu

.

Hơn 10 năm nay, ông sống côi cút bên đường tàu, kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, nhưng ông đã trở thành “cứu tinh” cho biết bao nhiêu người trước lưỡi hái tử thần. Mọi người vẫn thường gọi ông với cái tên “ông Lợi barie”.

Hằng  ngày, ông Lợi đứng bên “kiệt tử thần” cảnh báo cho mọi người khi có tàu đến.
Hằng ngày, ông Lợi đứng bên “kiệt tử thần” cảnh báo cho mọi người khi có tàu đến.

Kiệt nhỏ điểm giáp giữa tổ 18 và 19 Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, trở thành nỗi ám ảnh u buồn về những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong quá khứ. Theo trí nhớ của bà Huỳnh Thị Tưởng (42 tuổi) sống gần kiệt, tại đây đã có hơn 15 vụ tai nạn thương tâm xảy ra, cướp nhiều sinh mạng. Trước những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở “kiệt tử thần”, năm 2002, thành phố xây dựng một đường gom chạy dọc theo đường tàu qua tổ 18, thông ra đường Nguyễn Khuyến - nơi có trạm gác chắn đường sắt (cách “kiệt tử thần” khoảng 200 mét), lập barie kiên cố ngay ở kiệt, không cho phương tiện lưu thông qua đây. Tuy nhiên, người dân ngại đi xa, bất chấp nguy hiểm vẫn đi bộ hoặc dắt xe đạp băng ngang đường ray, hậu quả là tai nạn thương tâm vẫn tiếp diễn.

Trước tình cảnh đó, một người đàn ông âm thầm móc võng sống ngay bên “điểm đen” để cảnh báo mọi người khi có tàu đến. Ông trở thành “cứu tinh” cho những người không may giáp mặt với tử thần. Người dân đặt cho ông cái tên “ông Lợi barie”. Ông tên thật là Đặng Văn Lợi (1956), sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em ở Quảng Nam. Năm 1978, ông vào bộ đội tại Sư đoàn 342. Năm 1979, ông trở về Đà Nẵng từ chiến trường Campuchia. Thường xuyên đau ốm, rồi mọi giấy tờ tùy thân không may bị cháy trong một vụ hỏa hoạn nên ông không được hưởng một chế độ, hay trợ cấp xã hội nào. Ông sống với người chị tại tổ 18 Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, nhưng không may người chị cũng mất sau một cơn bạo bệnh. Ông ở một mình không lập gia đình, hằng ngày mưu sinh bằng nghề nhặt rác, lượm ve chai kiếm ba đồng ba cọc. Ông đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn tàu hỏa thương tâm và quyết định gắn cuộc đời mình với đoạn đường tàu chạy qua “kiệt tử thần”, làm barie... sống hơn 10 năm nay.

5 giờ sáng, ông đã có mặt tại “kiệt tử thần”, nhắc nhở những người băng đường tàu. Ông thuộc lòng lịch trình các chuyến tàu đi qua đây. Mỗi ngày ông dành 2 đến 3 giờ đi nhặt ve chai, thường trùng vào những thời điểm không có tàu hoặc chỉ có tàu hàng chạy qua “kiệt tử thần”.

Ông thường ngồi nghỉ bên chiếc võng gần “kiệt tử thần”.
Ông thường ngồi nghỉ bên chiếc võng gần “kiệt tử thần”.

Anh Nguyễn Văn Phi, một người dân tại đây kể: “Ông ấy còm nhom vậy nhưng gan dạ lắm. Tui còn nhớ như in mấy năm trước, một nhóm 4 cô cậu sinh viên đi học về  cười nói vui vẻ, vừa bước chớm ra khỏi kiệt thì đoàn tàu lao tới. Nhanh như cắt, ông ấy từ bên này đường ray phóng qua đẩy ngược nhóm sinh viên thoát chết trong gang tấc”. Hay có lần một thanh niên say rượu lảo đảo giữa đường ray, đoàn tàu lao đến hú còi inh ỏi. Trong tích tắc, ông lao ra chộp lấy người thanh niên đổ người lăn thoát khỏi mũi tàu. Những ngày mưa gió, ông che tấm ni-lông đứng giữa mưa, người ướt sũng lạnh run cầm cập, bà con khuyên ông nên vào nhà nghỉ nhưng ông nhất quyết: “Lo gì! Tui đau đâu được, để tui làm, chừng nào còn tàu qua đây tui còn làm, vào nhỡ có chuyện gì thì ân hận lắm”. “Quen rồi, ngày nào không ra đây là tui thấy khó chịu lắm”, ông bộc bạch.

Ông Bùi Hồng Thái, Tổ trưởng tổ dân phố 18, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Khánh Nam, nói: “Tôi cũng như mọi người trong khu dân cư rất cảm kích trước việc làm thầm lặng của ông Lợi. Trường hợp của ông rất đặc biệt, địa phương cũng muốn giúp đỡ nhiều nhưng rất khó vì giấy tờ của ông bị mất hết nên chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ vài trăm ngàn, mấy chục ký gạo mỗi năm, thăm hỏi động viên tinh thần”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN

;
.
.
.
.
.