.

Quan tâm xử lý y tế cho ngư dân

.

Nhiều ngày lênh đênh trên biển, khi xảy ra sự cố, các tàu đánh bắt xa bờ chỉ biết liên hệ với Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng để xin hướng dẫn. Những kiến thức ban đầu về sơ cứu, thậm chí là những hiểu biết cơ bản nhất về thuốc men dường như ngư dân không mấy quan tâm.

Các tàu cần có tủ thuốc với các loại thuốc thông thường, cách sơ cứu các tai nạn.
Các tàu cần có tủ thuốc với các loại thuốc thông thường, cách sơ cứu các tai nạn.

Bị động trong xử lý tình huống

Đi biển nhiều năm nhưng anh Đặng Văn Nhật, thuyền trưởng tàu ĐNa-90556 TS vẫn chưa được học qua một lớp sơ cứu y tế. Vừa qua, một thuyền viên trên tàu bị gãy dập tay do tai nạn lao động nhưng 10 thuyền viên và ngay cả thuyền trưởng cũng không biết làm cách nào để sơ cứu.

Không riêng gì anh Nhật, hiện nay một bộ phận ngư dân khi đi biển không biết những kiến thức sơ đẳng nhất về y tế để “phòng thân” trong những chuyến bám biển dài ngày. Vì vậy khi xảy ra sự cố, các tàu chỉ biết kết nối với Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để xin hỗ trợ từ phía đất liền. Có tàu mới vừa ra khơi, bỗng nhiên có thuyền viên đau ốm bất thường cũng không biết cách xử lý, đành phải quay vào bờ làm lỡ mất chuyến đi, gây thiệt hại nghiêm trọng. Hơn 30 năm “cưỡi sóng, đạp gió” lênh đênh trên biển để mưu sinh, thế nhưng ngư dân Phạm Văn Hoa (phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) vẫn còn bị ám ảnh bởi nhiều chuyến đi dở dang như thế. Ông Hoa nhớ lại: “Cách đây khoảng hai năm, khi tàu vừa ra khơi, chưa kịp đánh bắt thì phải tức tốc chạy vào đất liền do bạn tàu lên cơn sốt cao. Không có thuốc hạ sốt nên bạn tàu phải chịu đựng sốt cao suốt hai ngày liền trước khi tới bờ. Nhiều tàu vẫn chủ quan, khi đi hành nghề không đem theo thuốc men chi”.

Nguy hiểm và bất lợi là vậy, thế nhưng nhiều năm nay, ngư dân vẫn còn thờ ơ với sức khỏe của mình. Ông Lưu Quang Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, các tàu đánh bắt xa bờ bắt buộc phải có tủ thuốc cấp cứu phòng khi tai nạn lao động và các bệnh đau ốm thông thường trong những chuyến bám biển dài ngày. Quy định là thế nhưng hầu như các tàu đánh bắt xa bờ vẫn “ngó lơ”, trong khi trang bị một tủ thuốc chỉ từ 200.000 đến 1 triệu đồng. Một vài tàu cũng có tủ thuốc thế nhưng trong đó chỉ có mấy viên thuốc nhưng không ai biết đó là thuốc gì. Tháng 6 vừa qua, thành phố đã hỗ trợ 200 tủ thuốc cho các ngư dân thuộc tổ dịch vụ hậu cần nghề cá để họ yên tâm vươn khơi xa, nhưng với nhiều tàu, tủ thuốc đó “có cũng như không”.

Khó khăn trong cứu nạn

Khi xảy ra sự cố ngoài khơi, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng là nơi đầu tiên nhận được những thông tin cấp cứu y tế từ các tàu cá đánh bắt xa bờ. Sau đó, Đài sẽ thông báo thông tin tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II và Trung tâm Cấp cứu 115 của thành phố để tiếp cận với ngư dân. Thế nhưng việc tiếp cận cũng rất khó khăn do nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, địa hình, thời gian...

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II cho biết, phần lớn khi xảy ra bất trắc với ngư dân đánh bắt xa bờ phải mất rất nhiều thời gian, tàu cứu nạn mới chạy ra được với tàu bị nạn. Nếu gặp bão to tiếp cận với tàu của ngư dân đã khó, chứ chưa nói gì tới việc cứu nạn. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II cho biết: “Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng đã truyền tin cho chúng tôi và Trung tâm Cấp cứu y tế 115 để kịp thời tư vấn y tế và sơ cứu ban đầu, đó là khâu quan trọng. Nếu các ngư dân làm tốt, việc sơ cứu ban đầu sẽ bảo đảm hơn về tính mạng cho ngư dân”. Ông Long cũng cho biết Trung tâm thường xuyên tuyên truyền, phát tờ rơi và tổ chức những khóa huấn luyện cho ngư dân về sơ cấp cứu y tế nhưng hầu như ngư dân vẫn không mấy quan tâm.

Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp với Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng từ nhiều năm nay tham gia công tác cứu nạn cho ngư dân. Công việc gấp gáp, cộng với địa điểm xa ngoài khơi nên việc tiếp cận với tàu cá cũng gặp nhiều trở ngại, nhiều lúc công tác cấp cứu bị gián đoạn, ngưng trệ. Bác sĩ Phan Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu thành phố là người đã nhiều lần theo tàu cứu nạn ra ứng cứu cho các ngư dân gặp sự cố ngoài khơi, cho biết: “Mặc dù đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng từ bao đời nay, ngư dân mình nhiều khi quá coi thường sức khỏe khi đi biển. Mỗi tàu phải có ít nhất một ngư dân biết cách sơ cứu về vết thương mạch máu, hô hấp nhân tạo, gãy xương...”.

Với thực tế trên, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc đào tạo sơ cấp cứu cho ngư dân cũng như tuyên truyền, khuyến khích họ đến các lớp học là cần thiết, để họ có kiến thức cơ bản về y tế, “trang bị” cho những chuyến bám biển dài ngày.

Bài và ảnh: MAI KHÔI

;
.
.
.
.
.