Hằng ngày, cứ đến bữa ăn, căn nhà nhỏ của chị Lý Thị Kiều Nga (58 tuổi), ở tổ 31, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà lại rộn ràng tiếng cười nói của hàng chục sinh viên (SV).
Chị Nga vui khi các em ăn ngon. |
Sinh ra trong một gia đình có 12 anh chị em tại Huế, tuổi thơ chị không được may mắn, phải tự lập từ nhỏ. Những ngày tháng đầu làm dâu trên đất Đà Nẵng, gia tài hai vợ chồng chị không có gì giá trị ngoài chiếc xe đạp. Những đứa con ra đời, gánh nặng lo toan trên vai hai vợ chồng càng thêm đầy. Rồi sau cơn bạo bệnh, chồng chị ra đi. Nhìn những đứa con thơ sớm mồ côi cha, nỗi đau chị kìm nén tận đáy lòng. Sớm tối chị tần tảo mưu sinh đủ nghề như công nhân, phụ thợ hồ, thu mua phế liệu... với mong muốn các con mình được đi học. Theo thời gian, 4 người con chị đã lớn khôn, hiện lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, còn cậu út học xong lớp 12 đang sống với chị.
Một lần thấy cảnh SV phải chạy đôn chạy đáo đi tìm trọ mà thương. Chị quyết định sửa căn nhà để cho SV ở, chỉ dành một diện tích nhỏ cho hai mẹ con. Chị không lấy tiền nhà, chỉ thu tiền điện, nước vài chục ngàn một tháng, nhưng nhiều SV cảm thấy ngại nên đưa thêm chút ít tiền nhà những lúc chị khó khăn. “Ngày đầu mình vào Đà Nẵng nhập học, chân ướt chân ráo có biết chi mô, may mà gặp cô. Ở đây thoáng mát, an ninh bảo đảm, rất an tâm để học tập”, bạn Tống Văn Bình, SV năm cuối khoa Xây dựng Trường ĐH Duy Tân chia sẻ.
Lo cho SV có chỗ ở, chị còn trăn trở khi thấy SV ăn cơm bụi bị đau bụng thường xuyên vì dùng những thực phẩm không bảo đảm. Chị quyết định không đi làm thêm ở ngoài nữa mà ở nhà nấu cơm cho các em. 10, 20 rồi 30 SV tìm đến ngôi nhà nhỏ của chị để được ăn những bữa ăn ngon, mang hơi ấm gia đình. Bằng tình thương của chị, với số tiền chỉ từ 250 đến 500 ngàn một tháng, các em được ăn ngon 2 bữa trưa, tối mỗi ngày. 8 ngàn đồng một bữa cơm, có cá, có thịt, xào, canh ngon... Các món ăn được chị thay đổi hằng ngày, hợp khẩu vị cho từng nhóm vì SV đến từ nhiều vùng miền khác nhau. “Cô Nga là người Huế nên nấu ăn ngon. Khi nào cũng no bụng nên mình mập lên nhiều. Lúc trước ở trọ nơi khác phải ăn cơm bụi tốn tiền lắm”, bạn Thiện, SV quê ở Quảng Nam tâm sự.
Khi được hỏi về “bí quyết” nấu rẻ, nấu ngon, chị cho biết hằng ngày chị đi chợ sớm mua thức ăn của những hàng quen biết ở chợ An Hải Bắc và tại các nhà dân, bảo đảm an toàn. Biết chị nấu ăn cho hàng chục SV nên mọi người thường bán với giá khá mềm. Không chỉ vậy, những lúc có SV đau ốm, chị chăm sóc như người mẹ hiền, hay chậm đóng tiền ăn, tiền điện, nước, chị vẫn vui vẻ chia sẻ khó khăn. “Mấy em cũng như con cái trong nhà, thấy các em yên tâm học tập là vui rồi. Thương con người ta thì con mình ra đời sẽ có người thương, giúp đỡ khi hoạn nạn”, chị Nga cười hiền tâm sự.
Niềm vui lớn nhất của chị có lẽ là những lúc SV cầm tấm bằng tốt nghiệp về khoe trong tiếng cười giòn tan, căn nhà nhỏ trở nên ấp ấm hơn. Nhiều SV ra trường đi làm có dịp cũng ghé thăm chị rồi bùi ngùi xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm lúc còn sống chung trong mái ấm này. “Bà ấy là người “đông con nhất xóm” này đó, chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm với công việc bếp núc, thương SV như con ruột của mình vậy”, cô Liên, một người hàng xóm cho biết.
Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN