.

Tạo việc làm cho người dân tái định cư

.

Thời gian qua, quận Sơn Trà đã di dời, giải tỏa hàng nghìn hộ dân để xây dựng các công trình hiện đại, khang trang, góp phần tạo nên diện mạo mới của thành phố. Giới thiệu việc làm, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng tái định cư là vấn đề luôn được cấp ủy và chính quyền quận đặc biệt quan tâm. Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, chỉ riêng trong năm 2011, quận đã giải quyết việc làm cho 5.312 lao động. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà nhiều hộ vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.

Công việc tại lò bún giúp mang lại thu nhập ổn định hằng tháng cho cô Trần Thị Lệ.
Công việc tại lò bún giúp mang lại thu nhập ổn định hằng tháng cho cô Trần Thị Lệ.

Đổi đời sau tái định cư

Sau khi tái định cư đến tổ 44B, phường An Hải Bắc, cô Trần Thị Lệ không những được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng ngôi nhà với tổng giá trị 34 triệu đồng, cấp học bổng 1,4 triệu đồng cho 2 con đang học THCS và THPT mà còn định hướng, liên hệ giúp cô làm việc tại lò bún Xuân Đa. Nhanh tay khoắn mẹt bún mới ra lò vào chum nước lạnh, cô vui vẻ tâm sự: “Được sống trong ngôi nhà xây, nhận hỗ trợ về vật chất từ chính quyền địa phương, đó là niềm vui không gì sánh nổi. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi chỉ thực sự ổn định khi được làm việc tại lò bún. Công việc không lao lực, bấp bênh như thợ hồ hay nhặt rác trước đây tôi làm, mà chỉ cần chịu khó, cần mẫn. Với thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, tôi có thể trang trải cho 2 con ăn học và người chồng bị tâm thần”.

Cô Lệ là một trong 5.312 người (năm 2011) được giúp đỡ có nghề nghiệp ổn định sau khi tái định cư tại quận Sơn Trà. Ông Nguyễn Tự, Chánh Văn phòng UBND quận cho biết, khi chuyển đến nơi ở mới, người dân chưa thích nghi nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Xuất phát từ thực tế này, chính quyền quận luôn quan tâm giúp đỡ các hộ trong diện giải tỏa, di dời bằng hàng loạt chính sách ưu đãi của thành phố, quận như: chuyển đổi nghề, đào tạo nghề miễn phí, vay vốn từ các kênh để giải quyết việc làm, học sinh được miễn giảm học phí, hộ chính sách được miễn thuế theo quy định... Lãnh đạo quận Sơn Trà còn thường xuyên tổ chức tiếp dân để trực tiếp gặp gỡ, đối thoại nhằm hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như khả năng của từng hộ gia đình. Từ đó, tìm nguồn tài trợ, giúp phương tiện sinh kế như xe bán nước mía, máy may công nghiệp, xe thồ, máy ảnh... để người lao động tái định cư có việc làm, sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chính quyền quận còn liên hệ, tìm hiểu nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn, thường xuyên thông báo để từng tổ dân phố, đoàn thể tiến hành rà soát, tìm kiếm người phù hợp trong đội ngũ thất nghiệp, cách làm này đã và đang tạo việc làm cho số lượng không nhỏ các hộ mới tái định cư.

Nhiều rào cản đối với người lao động phổ thông

Tuy nhiên, với số hộ dân trong diện giải tỏa, di dời quá lớn (hơn 16.559 hộ), đa số trước đây làm nông nghiệp (trồng rau, trồng hoa), chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, có trình độ học vấn thấp, tâm lý thỏa mãn khi nhận được khoản tiền đền bù lớn, tuổi cao, khó tiếp thu được kỹ năng làm việc mới... khiến giải quyết việc làm cho lực lượng lao động này vẫn đang là bài toán khó với chính quyền quận Sơn Trà.

Bà Phạm Văn K. (64 tuổi), tái định cư tại phường Phước Mỹ buồn bã khi nhắc đến 7 người con ham chơi, nhác làm. Khoản tiền đền bù quá lớn cho 3.000m2 đất khiến các con bà (tất cả đều làm nông, chưa từng được đi học) không thiết tha với việc tiếp tục lao động mà sa vào cờ bạc, tiền của trong nhà lần lượt ra đi. Mặc dù sức khỏe kém nhưng bà vẫn miệt mài trồng rau, hoa trên những lô đất trống gần nhà với mong muốn: “Kiếm được ít đồng lo cho tuổi già chứ không thể trông mong vào con trai lẫn con dâu”.

Theo ông Nguyễn Tự, trình độ học vấn, nhận thức thấp là rào cản rất lớn đối với những lao động sau giải tỏa khi các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, resort phần lớn đòi hỏi trình độ học vấn từ lớp 12 trở lên, đối với lao động phổ thông thì ít nhất phải có bằng THCS. Với những nghề nghiệp không kén bằng cấp như cắt cỏ, quét dọn... thì lại bị người dân chê vì “thấp kém”, không mang lại thu nhập cao. Sự không gặp nhau giữa yêu cầu về trình độ học vấn của người sử dụng lao động, khả năng cũng như tâm lý chê việc của người lao động khiến nhiều hộ sau tái định cư chưa thể có thu nhập bền vững, dẫn đến thực trạng đáng lo là các cơ sở sản xuất thường tuyển lao động từ nơi khác đến chứ không sử dụng được lao động trên địa bàn quận.

Để giải quyết thực trạng này, ông Nguyễn Kim Tân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận khẳng định, trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND quận để đưa ra các chính sách cụ thể, tăng cường giáo dục tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, khuyến khích họ tham gia vào các lớp đào tạo nghề miễn phí. Tiến hành điều tra nắm rõ nhu cầu, nguyện vọng, sở thích của người dân để tăng thêm sự hào hứng của học viên cũng như tính hiệu quả của các lớp đào tạo nghề. Xác định rõ việc đào tạo nghề không phải để lấy thành tích mà gắn với giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm phù hợp trên địa bàn quận hoặc thành phố.

Bài và ảnh: MAI TRANG

;
.
.
.
.
.