Theo ông Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng vừa cho biết, vào tháng 11 tới, Viện sẽ tiếp nhận 90 tấm bản đồ (bao gồm bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ Việt Nam có chủ quyền Hoàng Sa,Trường Sa) do ông Trần Thắng - Chủ tịch Hội Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ sưu tầm.
Bản đồ tổng quát lãnh thổ Trung Quốc trong cuốn Postal Atlas of China xuất bản năm 1933 không có Hoàng Sa và Trường Sa (do ông Trần Đức Anh Sơn cung cấp) |
Theo ông Sơn, 90 tấm bản đồ trên được in ấn tại các quốc gia: Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian từ năm 1626 - 1980, có kích thước từ 20cm x 25cm đến 60cm x 75cm. Những bản đồ này gồm 3 nhóm: nhóm thứ nhất là những bản đồ Trung Quốc, trong đó xác định lãnh thổ của Trung Quốc được giới hạn đến cực nam của đảo Hải Nam. Nhóm thứ hai là những bản đồ Việt Nam xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và nhóm thứ 3 là bản đồ toàn khu vực Đông Nam Á, trên đó có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Toàn bộ số bản đồ trên có giá trị khoảng 10.000USD, chủ yếu do ông Thắng tự bỏ tiền mua và quyên góp từ bạn bè. Ngoài bản đồ, ông đã phát hiện ba tập Atlas (tập bản đồ) do chính quyền Trung Quốc xuất bản trong đó không có Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuốn thứ nhất là Atlas of the Chinese Empire - Trung Quốc địa đồ (1908) có từ thời nhà Thanh gồm một bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Các bản đồ đều có kích thước 31 x 41cm. Ðây là tập bản đồ chính thức, được in từ Trung Quốc.
Cuốn thứ hai là Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) được in với số lượng giới hạn, có giá trị sử liệu cao, được in bằng ba thứ tiếng: Trung - Anh - Pháp, có kích thước là 61 x 71cm. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang vận động để sở hữu bản đồ này.
Cuốn thứ ba có tên Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933) được in bằng ba thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, có kích thước 61 x 71cm. Hiện tấm bản đồ này đã được TP Đà Nẵng đặt mua với giá trị 3.000 USD.
Những tấm bản đồ này tuy chưa được xác lập là văn kiện mang tính pháp lý nhưng đây thực sự là một tư liệu quý giá, một bằng chứng thuyết phục để khẳng định chủ quyền biển đảo toàn vẹn của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo Cổng TTĐT TP Đà Nẵng