.

Về với miền quê nghèo

.

Mỗi lần có dịp, gác lại chuyện sách vở, tuổi trẻ ĐH Duy Tân lại háo hức về với những vùng đất xa xôi, nghèo khó để đem lại niềm vui cho những người dân nơi đây. Cùng tham gia vào hành trình của những bạn trẻ ĐH Duy Tân, chúng tôi mới hiểu hết tấm lòng nhân ái luôn ấp ủ trong mỗi trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Chuyến đi về vùng quê Đại Lộc, Quảng Nam cuối tháng 9 vừa qua đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm.

Chuyến đò mang yêu thương về với vùng quê Đại Sơn.
Chuyến đò mang yêu thương về với vùng quê Đại Sơn.

Sau gần 3 giờ vượt đường núi, đường sông, đoàn tình nguyện với chương trình mang tên “Niềm vui trở lại” đã đặt chân đến vùng quê khó khăn nhất của xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Chuyến đi này còn có sự góp mặt của các thành viên “Gia đình Tâm thiện Bụi đời” TP. Hồ Chí Minh. Hơn 80 bạn trẻ từ khắp mọi miền đất nước vượt qua những khoảng cách xa lạ để cùng lên đường mang Tết Trung thu về cho những trẻ em nghèo bên dòng sông Vu Gia. Anh Phạm Đăng Quang, cựu Bí thư Đoàn trường, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên ĐH Duy Tân cho biết: “Chuyến đi xuất phát từ ý tưởng và sự thống nhất trên mạng xã hội khi chúng tôi cùng thấu hiểu và mong muốn chia sẻ khó khăn cho trẻ em nghèo nói riêng và những người dân xã Đại Sơn nói chung. Đây không phải là lần đầu tiên sinh viên ĐH Duy Tân tham gia các chương trình tình nguyện, các hoạt động từ thiện, nhưng mỗi lần về với Đại Sơn đều đầy ắp cảm xúc. Lần này chúng tôi kết hợp với đoàn của TP. Hồ Chí Minh và đi với số lượng nhiều hơn mọi khi”. Trong số họ, có người đã quen thuộc với những hành trình thiện nguyện, cũng có người lần đầu ngỡ ngàng đặt chân đến miền quê nghèo với bao tâm sự và nỗi lòng khó tả.

Tập kết tại trụ sở UBND xã Đại Sơn, đoàn thiện nguyện háo hức mỗi người một nhiệm vụ, nhóm vượt sông Vu Gia để phát quà Trung thu cho trẻ em và bà con nghèo, nhóm ở lại chuẩn bị chương trình “Đêm trăng rằm cho em” vào buổi tối cùng ngày.

Theo chân đoàn thiện nguyện, chúng tôi vượt dòng Vu Gia đến với những thôn làng xa xôi bị cách ngăn bởi sông nước và núi đồi. Bên xóm nhỏ, đôi mái nhà xập xệ, nhiều người nghèo và cả sự cô độc. Nơi đây không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại. Nỗ lực của chính quyền địa phương chỉ có thể mang về ánh điện chạy bằng máy nổ từ 6 giờ đến 8 giờ 30 tối cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Biểu hiện duy nhất của đời sống văn minh ở chốn này là trường học, và dường như chính cái chữ là nguồn vui, là quà tặng quý giá nhất mà những trẻ em nghèo có được. Tuổi thơ của những học sinh nghèo nơi đây không có những đêm hội trăng rằm thỏa thích vui chơi cùng bạn bè như nơi phố thị. Trung thu năm nay, điều ấy đã trở thành hiện thực nhờ sự có mặt của đoàn tình nguyện với 1.000 bánh Trung thu, 1.000 lồng đèn cùng 30 chiếc xe đạp, 50 phần quà và 12 triệu đồng hỗ trợ 3 em nhỏ và 1 người già là nạn nhân của những căn bệnh quái ác.

Đêm dần xuống. Cùng chuyến đò với đoàn, chúng tôi gặp một cụ bà đã 80 tuổi vẫn hằng ngày vượt sông đến bán hàng tại thôn nghèo. Bà tâm sự: “Tui xin được cái vé của xã để khỏi tốn tiền đi đò, mỗi ngày đều đến đây bán hàng. Tui còn đứa cháu nội học đến lớp 10, có khổ mấy cũng phải thay ba má nó lo cho nó đi học. Cô chú nghĩ, xa xôi thế này, mỗi lần đi chợ đã mất 40 ngàn tiền đò, còn nhiều hơn tiền đi chợ, bà con có mấy đời qua sông đâu”. Nghe nghẹn lòng thương cho cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nghèo khổ, cơ cực. Chuyến đi của đoàn tình nguyện hôm nay dường như đã đem chút niềm vui cho những mảnh đời còn bao khốn khó.

Trở lại UBND xã với “Đêm trăng rằm cho em”, những thành viên trong đoàn còn nặng lòng ám ảnh bởi nụ cười hiếm hoi trên đôi môi khô gầy của trẻ nhỏ nơi xóm nghèo. Xông xáo nhất trong suốt chuyến đi dài, bạn Trần Anh Tiến, Quản trị Diễn đàn sinh viên ĐH Duy Tân chia sẻ: “Chuyến đi tuy vất vả nhưng nghĩ đến niềm vui của những em nhỏ, những người dân trong các xóm làng là bao cực nhọc đều tan biến cả. Cuộc sống của người dân ở đây vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Mong rằng họ sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm từ các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm”. Đó cũng chính là ước vọng của những con người đang mải miết trên hành trình mang yêu thương về với những mảnh đời bất hạnh bên dòng sông Vu Gia. Với tuổi trẻ ĐH Duy Tân, mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, là hành trình về với cội nguồn quê hương để mang yêu thương cho những miền quê nghèo.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.