...Năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vào thời điểm này, Sở Ngoại vụ cũng chính thức được thành lập. 15 năm qua, thành phố Đà Nẵng với những bước phát triển mạnh mẽ đã mang diện mạo của một thành phố trẻ, năng động và hiện đại. Công tác đối ngoại thành phố cũng trải qua một chặng đường không ngừng trưởng thành, hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc “kết nối Đà Nẵng với thế giới”, mở cửa hội nhập với khu vực để tranh thủ nguồn lực thúc đẩy sự phát triển thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến trao Huân chương Lao động hạng nhì cho tập thể Sở Ngoại vụ Đà Nẵng. |
15 năm, khoảng thời gian có thể được xem là ngắn để đánh giá thành tựu của một quá trình nhưng cũng đủ dài để nhìn lại những gì đã qua và sẵn sàng cho chặng đường kế tiếp. Năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vào thời điểm này, Sở Ngoại vụ cũng chính thức được thành lập. 15 năm qua, thành phố Đà Nẵng với những bước phát triển mạnh mẽ đã mang diện mạo của một thành phố trẻ, năng động và hiện đại. Công tác đối ngoại thành phố cũng trải qua một chặng đường không ngừng trưởng thành, hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc “kết nối Đà Nẵng với thế giới”, mở cửa hội nhập với khu vực để tranh thủ nguồn lực thúc đẩy sự phát triển thành phố.
Có thể nói, chặng đường 15 năm của công tác đối ngoại Đà Nẵng là sự tiếp nối liên tục của quá trình tiếp cận, trưởng thành và phát triển trên cả 3 phương diện: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Nếu giai đoạn 1997-2006 được xem là giai đoạn tiếp cận và tích lũy kinh nghiệm tạo nên sức bật cho giai đoạn kế tiếp thì giai đoạn 2006-2012, đối ngoại Đà Nẵng trưởng thành và chuyển sang một bước phát triển mới.
Giai đoạn 1997-2006, hoạt động đối ngoại tập trung vào ngoại giao chính trị thông qua việc tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại thành phố và xây dựng, thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương trên thế giới. Ngoại giao kinh tế chủ yếu là hoạt động tiếp nhận các dự án ODA và NGO do chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Và dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 1997-2006 là sự kiện Đà Nẵng được Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ chọn là địa điểm tổ chức các cuộc họp quan trọng trong chuỗi sự kiện của Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006. Đây là sự kiện lớn, mang tầm vóc quốc tế và thành công của hội nghị đã tạo nên dấu ấn đáng nhớ trong công tác đối ngoại, góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi thành phố Đà Nẵng.
Với những kinh nghiệm được tích lũy, đội ngũ cán bộ đối ngoại ngày càng chính quy, hiện đại và sự chủ động, nhạy bén trong quá trình hội nhập, giai đoạn 2007-2012 đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đối ngoại Đà Nẵng. Số lượng đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng giai đoạn này tăng đáng kể (riêng lãnh đạo thành phố đã đón tiếp và làm việc gần 512 đoàn với hơn 4.800 lượt người), trong đó có nhiều đoàn quan trọng như đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tổng thống Hy Lạp, Tổng thống Singapore, Hoàng thái tử Nhật Bản đã khẳng định chỗ đứng, vị thế của thành phố. Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thực sự phát huy vai trò là nhịp cầu nối giữa Đà Nẵng và các địa phương trên thế giới, thúc đẩy tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, cùng hợp tác và phát triển. Với việc tổ chức thành công hàng loạt các sự kiện đối ngoại tầm quốc gia và quốc tế như: Hội nghị doanh nhân APEC 2009, Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN 2010 góp phần tạo nên thành công của năm ASEAN 2010… cũng như việc đẩy mạnh các chương trình giao lưu văn hóa các nước và đặc biệt đối ngoại đã góp phần tổ chức thành công Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế hằng năm (bắt đầu từ năm 2008), qua đó quảng bá và để lại những ấn tượng sâu sắc về hình ảnh một thành phố Đà Nẵng mới mẻ, đầy sức sống, hiện đại và văn minh.
Bước chuyển rõ nét nhất của giai đoạn này đó là ngoại giao kinh tế trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Việc triển khai Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác đối ngoại kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” một cách chủ động, nhạy bén đã tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ quá trình phát triển thành phố. Cùng với việc chủ động tìm kiếm và thực hiện đồng bộ các giải pháp, giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn này đạt hơn 774 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các chương trình trọng điểm của thành phố như “5 không”, “3 có”, trong đó tập trung vào lĩnh vực giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ người khuyết tật, phát triển y tế, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp từ các nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư cùng với việc hỗ trợ các đơn vị của thành phố kết nối với các đối tác nước ngoài cũng như xúc tiến vận động các dự án, chương trình hợp tác kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đà Nẵng. Trung bình hằng năm, thành phố có hơn 400 đoàn khách quốc tế (riêng Nhật Bản hơn 100 đoàn) đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, giáo dục… Theo đó, tính đến năm 2012, thành phố Đà Nẵng đã có 88 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư với tổng số vốn 350 triệu USD. Các hoạt động hợp tác song phương đi vào chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm đã đưa quan hệ thành phố với địa phương các nước ngày càng ổn định, bền vững. Hiện nay, thành phố đã thiết lập quan hệ chính thức với 29 địa phương thuộc 15 quốc gia, tạo tiền đề và cơ sở cho việc hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư và du lịch. Có thể nói trong 15 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn. Thành phố đã có vị trí tương xứng trong khu vực, thể hiện vai trò quan trọng trong hợp tác EWEC và có vị thế nổi bật tại các thị trường chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan…
Có ai đó đã từng nói rằng thời gian chính là thước đo của sự trưởng thành. Nhìn lại chặng đường 15 năm của đối ngoại Đà Nẵng có thể thấy được sự nỗ lực và những bước tiến không ngừng. Đó là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo thành phố và sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp đó, Sở Ngoại vụ qua các năm đều được UBND thành phố tặng Bằng khen, Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều Bằng khen của các Bộ, ngành. Năm 2007, đơn vị đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Và gần đây nhất vào tháng 5-2012, Sở Ngoại vụ đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.
Khép lại một chặng đường 15 năm đã qua, công tác đối ngoại đang bước tiếp một chặng đường phát triển mới hứa hẹn nhiều dấu ấn và thành công mới. Chắc chắn sẽ có không ít những thách thức và thời cơ phía trước nhưng với quyết tâm, bản lĩnh và sự nhạy bén của những người làm công tác đối ngoại, hy vọng rằng hoạt động đối ngoại Đà Nẵng tiếp tục mang về những “quả ngọt” trên con đường dựng xây và phát triển thành phố.
LƯƠNG MINH SÂM, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng