.

4 ngành tham nhũng nhiều nhất

.

Theo kết quả khảo sát được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố sáng 20-11, 4 lĩnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.

Đại diện các cơ quan tiến hành khảo sát về tham nhũng. Ảnh: ĐL
Đại diện các cơ quan tiến hành khảo sát về tham nhũng. Ảnh: ĐL

Sáng 20-11, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới đã công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do hai cơ quan này thực hiện.

Cuộc khảo sát quy mô này được tiến hành trên 5.460 người, trong đó có 2.601 người dân, 1.058 doanh nhân và 1.801 cán bộ công chức tại 10 tỉnh thành và 5 bộ ngành. 10 tỉnh trong cuộc khảo sát này có dân số chiếm 30% dân số cả nước và đóng góp 65% GDP.

Kết quả khảo sát cho thấy, tham nhũng là một trong 3 vấn đề được quan tâm nhất của dư luận, bên cạnh mối quan tâm về giá cả sinh hoạt, an toàn thực phẩm. 82% người được hỏi cho rằng tham nhũng phổ biến hoặc rất phổ biến ở phạm vi cả nước. Hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, 45% cán bộ công chức chứng kiến hành vi tham nhũng, 44% doanh nghiệp và 28% người dân trả chi phí không chính thức.

Theo ý kiến của các nhóm người được phỏng vấn, bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan, xây dựng. Trên 75% số người cho rằng tham nhũng trong những ngành này là phổ biến.

Về hình thức tham nhũng, có khoảng 5% số doanh nghiệp cho biết, họ bị các công chức yêu cầu bán tài sản giá rẻ hoặc thuê tài sản, đề nghị doanh nghiệp chi trả chi phí nghiên cứu, tham quan hoặc chi tiêu cá nhân. Hơn 15% doanh nghiệp bị cán bộ "vòi vĩnh" tiền, quà tặng.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí không chính thức khá tốn kém song lợi ích mà doanh nghiệp nhận được lớn hơn chi phí bỏ ra. Gần 63% doanh nghiệp tin rằng, chi phí không chính thức "tạo ra cơ chế ngầm giải quyết công việc một cách nhanh chóng" và hơn 50% ý kiến cho rằng nó khiến cán bộ tích cực làm việc. 70% trường hợp trả phí ngoài quy định do doanh nghiệp chủ động đề nghị, còn 30% trường hợp là cán bộ yêu cầu.

Trong các ngành được khảo sát, quản lý thị trường đứng đầu trong danh sách cơ quan đòi phí ngoài quy định, thứ hai là cảnh sát giao thông, sau đó là công an kinh tế, quản lý tài nguyên, xây dựng. Việc chi trả tiền, quà biếu thường diễn ra vào dịp lễ, tết, trả tiền cho tiệc hoặc vui chơi giải trí. Một số doanh nghiệp cho biết họ phải tiếp đón các chuyến viếng thăm không chính thức từ cơ quan kế hoạch đầu tư, thanh tra kiểm tra.

Về phương pháp phòng chống tham nhũng, phần lớn cán bộ công chức đồng tình rằng cần công khai, minh bạch và thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn là biện pháp hiệu quả. Cải cách hành chính và thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đứng vị trí tiếp theo. 24% cán bộ cho rằng, quy định nộp lại quà biếu của cán bộ công chức là có hiệu quả.

Dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo xóa nhà siêu mỏng, nhưng ngay sát trụ sở UBND xã, ngôi nhà siêu mỏng này vẫn được xây dựng. Ảnh: Hoàng Hà.
Dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo xóa nhà siêu mỏng, nhưng ngay sát trụ sở UBND xã, ngôi nhà siêu mỏng này vẫn được xây dựng. Ảnh: Hoàng Hà.

Điều tra cũng ghi nhận có 52% số doanh nghiệp có các hoạt động phòng chống tham nhũng, 43% người dân sẽ tố cáo tham nhũng và 85% số cán bộ công chức cho biết nhận thức về tham nhũng đã được nâng cao.

90% số người được hỏi tin rằng đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt thích đáng, 80% người cho rằng chưa có sự chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, ngoài ra các biện pháp chống tham nhũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm và người có thẩm quyền chưa thực sự quyết tâm. Người dân còn gay gắt khi tin rằng có sự tiếp tay giữa công chức và đối tượng tham nhũng, cấp trên bao che cho cấp dưới và cán bộ thiếu năng lực.

Theo bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện, Bộ Phát triển quốc tế Anh, kết quả khảo sát cho thấy vai trò quan trọng của tính minh bạch trong công tác chống tham nhũng. Vấn đề này đã được nên lên song việc thực thi chưa nhất quán, người dân và doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và thực thi chính sách, điển hình như TP HCM, Đồng Tháp, Tây Ninh. Những nơi thực hiện tốt minh bạch có tỷ lệ hối lộ giảm 40%.

Cũng theo bà Fiona, những nơi thực hiện cải cách hành chính tốt có mức độ hối lộ giảm 30-40%. Ngoài ra, cũng cần có biện pháp hướng đến những nhóm ngành cụ thể và thực hiện phòng chống tham nhũng trong ngành như cảnh sát giao thông, y tế, giáo viên, cán bộ ở cấp trung ương.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, kết quả trong báo cáo khảo sát không đại diện cho ý kiến của tổng thể nhân dân, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ công chức của Việt Nam và cũng không phải là ý kiến đánh giá của cơ quan nhà nước. Nhưng kết quả này có ý nghĩa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, những người làm công tác hoạch định chính sách về phòng, chống tham nhũng tham khảo, phục vụ nghiên cứu nhằm mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng ở Việt Nam.

VnExpress

;
.
.
.
.
.