Trở về từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trao đổi với báo chí về những thành tựu của ASEAN trong năm 2012 và việc giải quyết những thách thức đặt ra với ASEAN trong thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
* Xin Thứ trưởng cho biết trong năm 2012, ASEAN đã đạt những thành tựu gì nổi bật?
- Trong năm 2012, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực vào các trọng tâm ưu tiên, trước hết là xây dựng cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột.
Trong năm 2012, ASEAN cũng tiếp tục gắn kết, đẩy mạnh với các đối tác bên ngoài vào khu vực, để các đối tác hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, cùng thúc đẩy liên kết rộng lớn hơn. Quá trình đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ở khu vực gồm các nước ASEAN và và 6 đối tác (gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) đã được thúc đẩy, nếu thành công sẽ kết nối ASEAN với toàn bộ khu vực Đông Á.
Ưu tiên thứ ba trong năm 2012 được ASEAN tiếp tục thúc đẩy là phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình, phát huy vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực. Năm qua có rất nhiều thách thức đặt ra, cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, ASEAN đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn để cùng các đối tác thúc đẩy đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh.
* Những thách thức và thành tựu của ASEAN trong năm 2012 có gì khác so với những năm trước đây?
- Việc xây dựng cộng đồng và liên kết ASEAN được nâng lên một tầm cao mới. Từ năm 2010 tới nay, các nhà lãnh đạo ASEAN thấy rằng không thể không nỗ lực vượt bậc ở cả tầm khu vực và từng quốc gia để tạo đột phá để hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN.
Trên lĩnh vực chính trị an ninh, khu vực vẫn còn những thách thức phi truyền thống như lũ lụt, thiên tai, nước biển dâng, tội phạm xuyên quốc gia và dịch bệnh… mà ASEAN phải xử lý hiệu quả hơn. Có những thách thức mà ASEAN phải cùng các đối tác xử lý, chúng ta sẽ có dịp đề cập ở những câu hỏi sau, chẳng hạn như những thách thức ở Biển Đông.
Cuối cùng, trong những năm gần đây, các nước đối tác rất quan tâm đến ASEAN, luôn ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm, nhưng bản thân các nước lớn cũng có lợi ích riêng của họ. Đâu là lợi ích song trùng với ASEAN, đâu là lợi ích không song trùng, làm sao phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh đó, thúc đẩy được hợp tác với các đối tác nhưng không để ASEAN “khó xử” là phải đứng về bên này hay bên kia? Đây là điều khó nhưng thời gian vừa qua và trong năm 2012, ASEAN đã làm được, tuy rằng không ít khó khăn.
* Vấn đề Biển Đông đã trở thành quan tâm chung của khu vực và các nước. Vậy trong Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 vừa qua, vấn đề này đã được đề cập như thế nào và đạt kết quả ra sao, đặc biệt là vấn đề xúc tiến xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)?
- Nếu chúng ta nhìn lại câu chuyện Biển Đông, sẽ thấy một số điểm nổi bật trong nhiều năm qua. Thứ nhất là nhận thức chung, quan tâm chung rằng hòa bình, ổn định, an ninh, trong đó có an ninh an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông là cực kỳ quan trọng với khu vực, với tất cả các nước, là lợi ích và quan tâm chung của tất cả các nước.
Thứ hai, thừa nhận có những tranh chấp về lãnh thổ, những đòi hỏi chồng lấn về chủ quyền, nên để những tranh chấp không leo thang, không gây căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, các nước đều nhất trí cao là tất cả các bên liên quan phải tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước luật biển, các thỏa thuận đã đạt được, như với ASEAN và Trung Quốc là DOC, mới nhất là Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC; với nội bộ ASEAN thì gần đây nhất là Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông.
* Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung và ý nghĩa của Tuyên bố chung này?
- Đúng là hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển luôn là mối quan tâm của các nước, trong đó có vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. DOC được thông qua và ký tháng 11-2002. Việc Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc ra Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC ngày 19-11-2012 có ý nghĩa rất quan trọng.
Về nội dung, các nhà lãnh đạo đã khẳng định mạnh mẽ các giá trị, các cam kết trong tuyên bố DOC và khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh lại những nguyên tắc căn bản điều chỉnh ứng xử mà các bên liên quan phải tuân thủ trong vấn đề Biển Đông: Tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển; đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển; cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; cam kết không làm phức tạp thêm tình hình để xung đột leo thang, gây căng thẳng cho khu vực.
Các bên khẳng định phải tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin để hỗ trợ cho môi trường hòa bình, ổn định, an ninh.
Đặt trong bối cảnh 10 năm qua, dù đã có những bước tiến nhất định trong việc xây dựng lòng tin và thực hiện DOC nhưng cũng có không ít diễn biến phức tạp, việc tái cam kết những nguyên tắc ở cấp cao nhất sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho việc đảm bảo hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển.
Một điểm nữa không kém phần quan trọng, là để đảm bảo thực hiện Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đã giao các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao triển khai và kiểm điểm thường xuyên. Đây là một bước tiến lớn so với DOC, vì DOC chỉ có cơ chế không chính thức là hội nghị các quan chức cấp cao (SOM).
Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc ở cấp cao nhất khẳng định lại những giá trị, những nguyên tắc đã đề ra DOC, là nền tảng để tất cả các nước và tất cả các cấp cùng thực hiện. Việc lãnh đạo cấp cao thống nhất hướng tới xây dựng COC sẽ tạo ra đường hướng cho các quan chức có thể thúc đẩy đàm phán, xây dựng COC.
Ý nghĩa quan trọng nhất của Tuyên bố chung tựu trung nằm ở 3 điểm: Tái cam kết cao nhất ở cấp cao nhất với DOC và những nguyên tắc chỉ đạo cách ứng xử trong DOC; nhất trí với nhau ở cấp cao nhất cùng hướng tới COC, làm sao đảm bảo tốt hơn hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, trong đó có những điều khoản rất quan trọng về tôn trọng vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển; giao cho cơ chế thực hiện nâng lên cấp Bộ trưởng.
Nếu thực hiện được cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 bên như vậy, chắc chắn sẽ có đóng góp tích cực và hiệu quả hơn với những mục tiêu chung không chỉ của ASEAN và Trung Quốc mà còn của tất cả các nước và cả khu vực.
* Theo Thứ trưởng, cần có những điều kiện gì để ASEAN và các nước có thể xây dựng được COC?
- Điều quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích chung, nguyên tắc chung phục vụ các mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. Đồng thời, dung hòa được mục tiêu chung với lợi ích quốc gia rất khác nhau của các nước.
Trong chặng đường xây dựng COC, ASEAN sẽ chia sẻ những quan điểm của mình về mục tiêu chung, định hướng, các quy tắc, những vấn đề cần nâng cao so với DOC; đồng thời thuyết phục Trung Quốc hiểu rằng đó là nguyện vọng chung, quan tâm chung, nhu cầu chung có thể đáp ứng tình hình trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện DOC; với các vấn đề khác biệt thì phải tham vấn sâu rộng và rất kỹ để tìm công thức phù hợp. Song hành với cái đó, phải tiếp tục thực hiện DOC; không được làm phức tạp thêm tình hình, không để xung đột leo thang, không làm trái với tinh thần DOC. Cuối cùng, trong quá trình thương lượng, ngoài việc hai bên lấy lợi ích chung làm nguyên tắc chỉ đạo, phải đối thoại tin cậy, xây dựng vì mục tiêu hòa bình, ổn định.
* Sau Hội nghị Cấp cao vừa rồi, có vẻ như ASEAN chưa đạt được đồng thuận trong hướng đi tiếp theo về vấn đề Biển Đông. Vậy đâu sẽ là “điểm tựa” để ASEAN tiếp tục giải quyết vấn đề này?
- Tôi có đánh giá khác về vấn đề này. Trong ASEAN, đã có rất nhiều văn bản và tuyên bố, cả ở cấp Bộ trưởng và cấp cao, về những quan điểm chính trong vấn đề Biển Đông. Mới đây nhất, ngày 20-7-2012, ASEAN đã công bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Ngày 19-11 vừa qua, ASEAN và Trung Quốc ra Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC ở cấp cao nhất.
Cả Nguyên tắc 6 điểm và Tuyên bố chung đều khẳng định: Một là phải coi trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; hai là tất cả các nước, đặc biệt là các bên liên quan, phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).
Cả DOC và Tuyên bố chung kỷ niệm DOC đều khẳng định các bên phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, không làm phức tạp thêm tình hình, không làm gia tăng xung đột.
Cuối cùng, cả nội bộ ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc đều thống nhất phải tiến tới xây dựng COC.
Theo Chinhphu.vn