Sáng 13-11, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã làm việc với Công an thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2012 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa VIII. Dự buổi làm việc có bà Lương Nguyệt Thu, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố; Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố.
Các thành viên Ban Pháp chế HĐND phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Công an thành phố. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Báo cáo của Công an thành phố cho biết, trong năm 2012, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 524 vụ phạm pháp hình sự, giảm 54 vụ so với năm 2011, làm chết 15 người và bị thương 62 người, tài sản thiệt hại trên 11 tỷ đồng. Trong đó, tệ nạn xã hội xảy ra 436 vụ, chiếm 83,2%; lĩnh vực ma túy phát hiện 88 vụ, chiếm 16,8%. Nhìn chung, tình hình hoạt động của các loại tội phạm được kiềm chế và giảm; không xảy ra tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, dùng vũ khí nóng để gây án. Một số tội phạm giảm mạnh như giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra, cướp giật, trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các băng nhóm hoạt động đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản. Một số tội phạm tăng như: hiếp dâm trẻ em, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Tai nạn giao thông đường bộ giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương; không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Lực lượng an ninh Công an thành phố đã tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý những vấn đề phức tạp nổi lên liên quan an ninh chính trị; tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện Kết luận số 86, Chỉ thị 05 về “Tăng cường lãnh đạo đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới”; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không thành phố… Tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Đà Nẵng. Đã phát hiện, xử lý 19 vụ, 256 người tổ chức sinh hoạt đạo trái phép; 4 vụ, 16 đối tượng tuyên truyền Pháp Luân công; khởi tố 88 vụ/115 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy; rà soát, phát hiện xử lý 1.075 người nghiện ma túy, tăng 357 đối tượng…
Tại buổi làm việc, Công an thành phố đề nghị HĐND thành phố chỉ đạo quyết liệt đối với UBND các cấp, các sở, ban, ngành liên quan phát huy vai trò trách nhiệm của mình, đồng thời có quy định chế tài cụ thể xử lý những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn trong thời gian tới; đề nghị xem xét, sửa đổi theo hướng tăng lực lượng dân phòng và mức hỗ trợ tham gia tuần tra ở xã bằng với ở phường… Các thành viên của Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng đã đề nghị Công an thành phố làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách đãi ngộ cho lực lượng dân phòng; giải pháp phối kết hợp với các sở, ban, ngành trong đấu tranh phòng chống ma túy; tăng hình phạt đủ sức răn đe đối tượng đòi nợ thuê; tăng cường quản lý quán bar, vũ trường; thực hiện “một cửa” đối với việc đăng ký hộ khẩu, đăng ký biển số xe; gia hạn visa đối với người nước ngoài còn chậm; xây dựng nhà giữ xe vi phạm trật tự an toàn giao thông; xây dựng cơ sở vật chất tại các phòng hỏi cung ở Trại tạm giam Hòa Sơn và cần có lực lượng chuyên sâu về môi trường…
Ban Pháp chế đã nghe các báo cáo giải trình và ghi nhận các kiến nghị của Công an thành phố để trình HĐND thành phố tại kỳ họp tới.
ĐOÀN LƯƠNG
Chiều 13-11, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố làm việc với Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2012, đặc biệt tình hình kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; tình hình quản lý, sử dụng đất; xử lý ngập úng…
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết trong năm 2012, Sở đã hoàn thành đề án “Thí điểm kiện toàn Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trực thuộc Sở TN-MT”; xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các KCN và các khu du lịch; xây dựng và triển khai đề án thu gom rác thải theo giờ nhằm hạn chế trên 50% số thùng rác đặt trên các đường phố khu vực nội thị và hạn chế trên 80% số thùng rác trên các đường phố chính… Cụ thể, Sở TN-MT đã tăng cường quản lý và thực hiện các giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Trạm xử lý nước thải tập trung. Tại các KCN, Sở đã tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, tiến độ đấu nối nước thải, giám sát các hoạt động quan trắc môi trường… Đến nay, KCN Hòa Khánh có 80/87 doanh nghiệp, KCN Liên Chiểu có 17/17 cơ sở đấu nối nước thải; KCN Hòa Khánh mở rộng và Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng có 6/6 cơ sở đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích đất quốc phòng có hiệu quả…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở TN-MT trả lời các vấn đề mà các thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách nêu ra, như việc đấu nối của các doanh nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa đồng bộ; nhiều xe rác chạy trên các tuyến phố còn bị rỉ nước ra mặt đường; xác lập vấn đề sử dụng đất ở Hòa Vang; các điểm ngập tăng lên trong khi lượng mưa năm nay ít hơn so với năm ngoái; vẫn còn các dự án treo; ô nhiễm môi trường biển; quản lý nhà vệ sinh công cộng; bất cập nhà hỏa táng…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, đánh giá cao những kết quả đạt được của Sở TN-MT trong công tác quản lý, khai thác sử dụng đất và việc xử lý môi trường. Đồng chí đề nghị Sở TN-MT chú ý cải tiến thủ tục hành chính liên quan đến quản lý và sử dụng đất; phải có các biện pháp xử lý các điểm ngập úng khoa học, xử lý triệt để để ngập không còn tái diễn; công tác đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện khách quan, chặt chẽ hơn…
THANH TÌNH