Hội CCB huyện Hòa Vang có nhiều hình thức giúp nhau vượt khó giảm nghèo, làm giàu chính đáng, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
CCB Hòa Phú giúp hội viên nghèo trồng tre lấy măng. |
Tận tình hỗ trợ nhau
CCB Lê Văn Danh (ở thôn La Châu, xã Hòa Khương) nuôi 30 con gà mái bằng hình thức thả vườn. Gà đẻ ổ rơm hằng ngày, nhưng trứng được lấy cất, chỉ lưu lại ổ từ 1-2 trứng để kích thích gà đẻ. Mỗi gà mẹ thường đẻ một lứa từ 15 - 18 trứng. Cứ được khoảng 100 trứng, ông Danh cho vào lò ấp bằng điện, chỉ khoảng 18 ngày là nở, gà con 20 ngày tuổi bán được 30.000 đồng/con. Còn gà mẹ chỉ nghỉ 5 - 7 ngày thì đẻ lứa khác. “Tôi học được kỹ thuật nuôi gà ấp trứng từ việc tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm thực tế ở nhiều nơi. Nuôi gà ấp trứng ít vốn đầu tư, cách làm không khó và đạt hiệu quả cao. Chính gia đình tôi đã vượt khó vươn lên nhờ mô hình này. Tôi đã trao đổi, hướng dẫn cho nhiều anh em CCB cùng làm và cũng đạt kết quả tốt”, ông Danh chia sẻ.
Những người lính Cụ Hồ năm xưa trên vùng trung du Hòa Phong tận tình hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật để phát triển nghề trồng hoa - cây cảnh và đã thành lập CLB trồng hoa - cây cảnh CCB. Đây là CLB trồng hoa - cây cảnh CCB đầu tiên ở Hòa Vang, không chỉ điểm tô hương sắc cho xóm làng, mà còn đem lại thu nhập cao, với tất cả 21 thành viên đều có mức sống khá trở lên. Tại xã miền núi Hòa Phú, Hội CCB tổ chức vận động hội viên hỗ trợ giống và công lao động, giúp các hội viên nghèo trồng vườn tre Điền Trúc để 3 - 4 năm sau sẽ có nguồn thu ổn định từ sản phẩm măng tre...
Những cách giúp đỡ thiết thực
CCB Hòa Vang có nhiều cách giúp nhau vượt khó vươn lên rất phong phú, sáng tạo và thiết thực. Cụ thể như CCB Đặng Bảy (ở thôn Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến) không có nghề, không có lương hưu, lại có con nhỏ bị bệnh tâm thần, nên cuộc sống hết sức khó khăn. Hội CCB xã đã vận động hội viên đóng góp kinh phí mua hỗ trợ ông Bảy một con bò giống để nuôi, đến nay bò đã đẻ một con bê, trị giá hơn 5 triệu đồng. Mặt khác, từ nuôi bò, ông Bảy có nguồn phân bón dồi dào, nâng cao năng suất sản xuất và đã được công nhận thoát nghèo bền vững.
CCB Đinh Ngọc Dũng (ở xã Hòa Khương) mở trang trại chăn nuôi và sản xuất gạch, tạo việc làm cho hơn 30 lao động và luôn quan tâm ưu ái tuyển dụng những đồng đội cũ. Còn ở xã Hòa Phú, CCB nghèo Quách Công Toản được Hội quyên góp tiền để hỗ trợ sinh kế, bảo trợ chi phí học tập cho con và được CCB Võ Sơn - chủ trang trại trồng rừng - bố trí việc làm, giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định...
Hằng năm, Huyện Hội và các Hội cơ sở tích cực tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, cho vay vốn lãi thấp, vận động những CCB làm kinh tế giỏi trao đổi kinh nghiệm làm ăn cho hội viên nghèo học hỏi, vận dụng. Chỉ trong 5 năm (2007-2012), các cấp Hội ở Hòa Vang đã vận động kinh phí, hỗ trợ vật liệu, công lao động để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; hỗ trợ sửa chữa nhà cho hơn 140 hội viên nghèo khó. Trên địa bàn huyện đã hình thành 26 tổ hợp tác, 3 HTX và 3 doanh nghiệp của CCB, giải quyết việc làm cho hàng trăm CCB, cựu quân nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Các Hội CCB cơ sở ở Hòa Vang đã tổ chức góp vốn quay vòng với tổng số vốn góp đến nay hơn 3,5 tỷ đồng và 12 lượng vàng. Nguồn vốn được luân chuyển cho hội viên mượn sản xuất - kinh doanh hoặc mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình, với phương châm hễ ai khó khăn hơn thì được ưu tiên xem xét cho mượn trước. |
Bài và ảnh: MINH THÀNH