.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân

.

Đà Nẵng hiện có 66.000 nữ công nhân, chiếm 61% lao động tại các khu công nghiệp. Thu nhập chưa cao, điều kiện vật chất, tinh thần thiếu thốn, đặc biệt là nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống, việc làm của công nhân nữ.

Tổ chức truyền thông cho nữ công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Tổ chức truyền thông cho nữ công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) triển khai nhiều biện pháp truyền thông dân số đến công nhân, lao động nữ. Các doanh nghiệp cũng tăng cường tư vấn dưới hình thức tổ chức hội nghị chuyên đề chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, duy trì hoạt động của mô hình CLB cũng như tổ chức các buổi truyền thông về CSSKSS.

Doanh nghiệp cũng hưởng lợi

Bà Hà Thị Kim Hạnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công, Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, vấn đề CSSKSS/KHHGĐ trong công nhân, lao động nữ được quan tâm, nhưng số người có thể tiếp cận thông tin còn rất ít. Phần lớn chị em làm việc trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong độ tuổi sinh sản, nhiều người chưa lập gia đình nhưng ít có điều kiện tiếp cận với các gói dịch vụ CSSKSS. Những kiến thức cơ bản nhất để giúp lao động nữ hiểu rõ hơn về SKSS như: làm mẹ an toàn, thực hiện tốt KHHGĐ, giảm nạo hút thai, giáo dục SKSS, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống ung thư vú và cơ quan sinh dục... cần thiết nhưng chưa thật sự đến với công nhân, lao động nữ.

Ngày nay, việc quan hệ tình dục, sống chung trước hôn nhân, viêm nhiễm đường sinh sản và dẫn đến việc có thai ngoài ý muốn xảy ra nhiều với đối tượng là các nữ công nhân ở những khu công nghiệp. Nhận thức của nữ công nhân còn hạn chế, thời gian tham gia vào các hoạt động cũng ít ỏi nên các chị thiếu kiến thức sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, dẫn đến tình trạng nạo hút thai xảy ra khá phổ biến. Thực tế, nếu làm tốt công tác CSSKSS cho người lao động, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc hạn chế chi phí bảo hiểm khi lao động nghỉ chế độ (thai sản, ốm đau); dây chuyền sản xuất hoạt động không bị gián đoạn vì thiếu nhân lực. Đặc biệt, khi người lao động được quan tâm thỏa đáng, họ sẽ cống hiến và yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề CSSKSS cho nữ công nhân, lao động. Ông Lê Châu Khương, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng chia sẻ: “Hằng năm, công ty chúng tôi luôn tổ chức các hoạt động cho nữ công nhân, lao động, trong đó có các buổi truyền thông CSSKSS, khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, số lượng công nhân nữ nhiều, lại làm theo ca và công ty cũng thường xuyên tuyển dụng mới nên việc tiếp cận với các dịch vụ này gặp không ít khó khăn”.

Dự phòng và tránh thai an toàn

Hiện nay, nhiều nữ công nhân chưa có đầy đủ kiến thức dự phòng và các biện pháp tránh thai an toàn nên xảy ra tình trạng có thai ngoài ý muốn.

Lý giải cho “lỗ hổng” này, chị N.T.M đang làm việc tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chia sẻ: “Công nhân chúng tôi đi làm tối ngày cũng chỉ đủ ăn, dành dụm một chút cho gia đình. Chúng tôi phải làm ngoài giờ, khối lượng công việc ở công ty chiếm gần 2/3 thời gian. Đi làm về chỉ muốn ngủ, lấy sức để ngày mai đi làm tiếp, vì thế không thể có thời giờ đọc sách báo, xem ti-vi, nghe đài, nói gì đến chuyện nghe các vấn đề về SKSS... Vì vậy, trong khu trọ có nhiều cặp “góp gạo thổi cơm chung”. Không ít đôi “ăn cơm trước kẻng” do không biết bảo vệ an toàn. Sau khi được công ty phối hợp với các ban, ngành truyền thông về CSSKSS, chúng tôi thấy rất bổ ích đối với công nhân nữ”.

Việc triển khai tốt công tác CSSKSS bắt nguồn từ nhu cầu thiết yếu của người lao động. Đó chính là đòn bẩy để thúc đẩy sự tăng trưởng, lớn mạnh hơn nữa của doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động nhập cư. Đây là khâu then chốt đối với mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, để nữ công nhân có điều kiện tiếp cận các thông tin về CSSKSS, cần sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thêm vào đó là sự đổi mới nội dung, hình thức truyền thông nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao sức khỏe cho nữ công nhân, viên chức - lao động.

Bài và ảnh:  MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.