Báo cáo trước QH sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 9 lĩnh vực được các ĐB chất vấn trong hai kỳ họp trước đều đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Minh Thăng |
Trong lĩnh vực GTVT, Phó Thủ tướng nhận định trong 10 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương đều giảm so với cùng kỳ 2011, nhưng vẫn ở mức cao, có nhiều vụ nghiêm trọng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa đồng đều và một số địa phương chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng đánh giá cao một số biện pháp cụ thể chống ùn tắc giao thông mà Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện như giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; xây dựng hệ thống các cầu vượt nhẹ và đường cao tốc trên cao; điều chỉnh giờ làm việc, giờ học, giờ kinh doanh; từng bước phát triển vận tải công cộng, hiện đại hóa việc điều hành giao thông kết hợp với phân làn, phân luồng giao thông...
Về chuyện đất đai, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thời hạn hoàn thành căn bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước vào ngày 31-12-2013. Hiện đã đạt 85,5% đối với đất sản xuất nông nghiệp, 85,8% với đất ở nông thôn, 63,5% với đất ở đô thị. Đây là lời hứa của Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang sau phiên chất vấn tại kỳ họp tháng 5 vừa rồi.
Phó Thủ tướng tiếp tục lưu ý Bộ TN-MT về công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất; xác định giá đất, tạo quỹ đất sạch; quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường; việc phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương trong giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thực hiện cưỡng chế khi Nhà nước thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi; việc thực hiện nguyên tắc định giá đất “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”...
Bộ TN-MT cũng sẽ phải tập trung tháo gỡ các tồn tại vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài liên quan đến đất đai nhằm ổn định tình hình, bảo đảm kỷ cương và quyền lợi hợp pháp của công dân.
Đối với Bộ KH-ĐT, Phó Thủ tướng cho rằng việc phân cấp quản lý đầu tư công còn bất cập, kiểm tra giám sát chưa tốt, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp, gây phân tán và lãng phí nguồn lực.
Việc tái cơ cấu 20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để hoạt động ngày càng hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường cũng sẽ là trọng tâm của Bộ KH-ĐT và Chính phủ trong thời gian tới.
Bộ Công an được nhắc nhở về tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm vẫn đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân, xâm hại tài sản nhà nước. Bộ GD-ĐT thì được nhắc về những hiện tượng tiêu cực kéo dài như tình trạng dạy thêm, học thêm ép buộc, lạm thu đầu năm học, tiêu cực trong thi cử…
Trong lĩnh vực công thương, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng việc thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền với điện, xăng.
Hiện EVN đang bán lẻ cho hơn 80% số hộ sử dụng, còn lại do các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã đảm nhiệm. Lĩnh vực truyền tải điện nhà nước vẫn độc quyền. Theo lộ trình, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức hoạt động từ 1-7-2012; đến năm 2015 sẽ thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh; đến năm 2022 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Đối với xăng dầu, hiện trên thị trường đã có 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Nhưng trên thực tế, thị phần của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các doanh nghiệp đầu mối khác.
Phó Thủ tướng cũng nhắc việc thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện phải hoàn thành năm 2015.
Việc phát triển thuỷ điện với một số vấn đề bức xúc như bảo đảm an toàn hồ đập, công tác tái định cư, bảo vệ môi trường... đòi hỏi từ ngành công thương các giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, đánh giá, kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong vi phạm..., ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Một vị trưởng ngành khác cũng đăng đàn dù đã không ít lần giải trình là Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Phó Thủ tướng nhắc Thống đốc là sau phiên chất vấn tại kỳ họp cuối năm ngoái, tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả còn hạn chế. Thị trường vàng trong nước vẫn có biến động lớn kéo dài.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng phát sinh hệ quả là sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ và khó tiếp cận vốn, tăng trưởng dư nợ tín dụng còn thấp.
Sau khi đánh giá từng ngành cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục trong công tác điều hành của Chính phủ, mong nhận được góp ý cũng như sự ủng hộ, phối hợp của QH, các ĐB và cử tri.
VietNamNet