.

Chinh phục vòm thép cầu Rồng

.

Với 2.000 tấn thép nguyên liệu để sản xuất những ống vòm thép có đường kính 1,2 mét với tổng chiều dài gần 400 mét, bảo đảm chính xác đến từng milimet là “đề bài” cực khó và cũng là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Thế nhưng thật thú vị, giải bài toán hóc búa này lại là một doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: Công ty CP Cơ điện miền Trung.

Những đoạn vòm thép được thi công trên công trình cầu Rồng.
Những đoạn vòm thép được thi công trên công trình cầu Rồng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện miền Trung Huỳnh Hà Nam kể cho chúng tôi “cơ duyên” được thi công phần vòm thép (thân rồng) cầu Rồng: “Khoảng tháng 8-2011, hôm đó chúng tôi tham gia cùng Sở GTVT, nhà thầu CIENCO I họp bàn kỹ thuật việc thi công dầm hộp thép cầu Rồng. Trong lúc giải lao, trò chuyện với mọi người thì mới biết Sở GTVT thành phố cùng nhà thầu CIENCO I đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài để thi công phần vòm thép của cầu. Giải thích vì sao lại chỉ nghĩ đến đối tác nước ngoài, đại diện Sở GTVT cho rằng đây là công nghệ lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam nên sợ nhà thầu trong nước không thể thực hiện được. Và tôi đã mạnh dạn đề xuất là giao việc này cho Công ty CP Cơ điện miền Trung đảm nhận. Phải mất 4 tháng với rất nhiều nỗ lực như mời Sở GTVT đến tận công ty tham quan, kiểm tra năng lực thi công, đặc biệt là chấp nhận phương án thi công thử một đoạn vòm thép cho Sở GTVT kiểm tra, vì vậy đến đầu năm 2012, công ty mới chính thức bắt tay vào thi công vòm thép cầu Rồng”.

Xác định đây là công trình mà công ty muốn đóng góp cho thành phố, không đặt nặng vấn đề kinh doanh nên ngay lập tức, đơn vị đã nhập hai thiết bị chuyên dụng là máy cắt mặt bích và dây chuyền phun áp lực cao để vệ sinh vòm thép trước khi sơn. Về nhân sự, công ty đã huy động lực lượng đến 150 kỹ sư, công nhân lành nghề nhất tổ chức thi công liên tục 3 ca/ngày để kịp yêu cầu tiến độ của thành phố. Từ hồ sơ kỹ thuật, toàn bộ vòm thép dài 390 mét này được công ty chuyển qua hồ sơ thi công chi tiết, bằng cách cắt nhỏ từng đoạn ống ngắn có chiều dài từ 8 - 10 mét để tiện thi công, tiện vận chuyển, lắp ráp nhưng lại đặt ra thách thức rất lớn là khi lắp ráp vào mặt cầu phải bảo đảm chính xác đến từng milimet. Vì vậy, công ty phải ứng dụng công nghệ vòm đa giác nội tiếp. Xong phần thiết kế, đến việc thi công phải uốn những tấm thép dày đến 19mm, dài từ 8 - 10 mét thành những ống tròn tuyệt đối, khiến cho đội ngũ công nhân cơ khí rất vất vả. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao tại các khớp nối có mặt bích, phải tính toán có khoảng cách khi ở nhiệt độ cao vòm thép giãn nở vừa khít để tăng khả năng chịu lực, ngược lại nếu để tình trạng giãn nở quá mức tạo nên xung lực phá vỡ kết cấu. Nếu điều này xảy ra thì không những toàn bộ hệ vòm thép sẽ bị lật nhào xuống sông mà kéo cả hệ dầm hộp thép đi theo.

Việc thi công kết cấu vòm thép phức tạp đến vậy, nhưng phần thi công lắp ráp các đoạn ống với nhau cũng là một thách thức rất lớn về kỹ thuật. Để hàn nối các đoạn vòm thép này ở vị trí giữa sông, công ty phải che chắn gần như kín hết để giảm sức gió, đồng thời bảo đảm nhiệt lượng tại các múi hàn không giảm đột ngột ảnh hưởng đến tính kết dính. Thực hiện công đoạn này, công ty phải huy động tất cả thợ hàn trình độ G6 (trình độ hàn đạt tiêu chuẩn của quốc tế) tham gia. 100% múi hàn được kiểm tra bằng phương pháp chụp X quang và siêu âm, nếu phát hiện một khiếm khuyết dù nhỏ đến đâu cũng phải phá bỏ hàn lại từ đầu. Chính vì vậy ngày 26-10 vừa qua, trước sự chứng kiến của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, khi hai đoạn ống cuối cùng của nhịp P2-P3 được đưa vào vị trí một cách chính xác tuyệt đối, mọi người đồng loạt vỗ tay trong niềm vui khôn cùng của cán bộ, kỹ sư và công nhân Công ty CP Cơ điện miền Trung.

Tâm sự với chúng tôi sau khi việc hợp long vòm thép thành công, ông Huỳnh Hà Nam bộc bạch: “Thi công những công việc tương tự thì chúng tôi đã làm rất nhiều, thậm chí là các thông số kỹ thuật còn cao hơn nhưng lại là các công trình thủy điện. Tuy nhiên, với thân rồng là chuyện không đơn giản, bởi vòm thép không đơn thuần để tạo dáng cho đẹp chiếc cầu mà đây là “đòn gánh” gánh toàn bộ dầm cầu, vì vậy yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt hơn. Đến bây giờ chúng tôi có thể tự tin là đã chinh phục được “thân rồng” để giúp cho nhà thầu CIENCO 1 đẩy nhanh tiến độ, kịp hoàn thành đúng vào dịp lễ 29-3 sắp đến.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.