.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ tăng quyền hạn của Chủ tịch nước

.

(ĐNĐT) - Tại buổi thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã ủng hộ việc tăng quyền hạn của Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước có quyền tham dự, chủ tọa một số phiên họp do Chính phủ triệu tập; bổ nhiệm tướng lĩnh.

DB NGUYEN BA THANH 6-11-2012.jpg
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh chủ trì thảo luận ở tổ gồm các đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và tỉnh Gia Lai, Vĩnh Phúc và Hưng Yên sáng 6-11.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều, so với Hiến pháp năm 1992, giảm một chương, 21 điều. Trong đó 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. Theo đó, Chủ tịch nước là thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Tại buổi thảo luận tại tổ sáng nay, đại biểu Nguyễn Bắc Son đã ôn lại định chế Chủ tịch nước, được quy định trong Hiến pháp năm 1946 là đứng đầu Chính phủ, là Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc. Do đó, Hiến pháp sửa đổi lần này trao cho Chủ tịch nước một số quyền, trong đó phong hàm cấp tướng là đúng. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, "cần tăng quyền hạn cho Chủ tịch nước, để tăng kiểm soát quyền lực của các cơ quan".

Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Chủ tịch nước có vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang nên có trách nhiệm bổ nhiệm tướng. Hiến pháp cần quy định rõ đối với hiệp ước loại nào thì Chủ tịch nước phê chuẩn, Quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực khác hiện nay được quy định rất mờ nhạt nên cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Duy trì HĐND cấp huyện và cấp xã

Góp ý về mô hình chính quyền địa phương, Trưởng đoàn  ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị cần phải ghi vào ngay trong Hiến pháp nội dung vẫn tiếp tục duy trì HĐND cấp huyện và cấp xã, chỉ bỏ HĐND cấp quận và cấp phường mà không cần phải chờ tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Theo đại biểu, ở cấp huyện và xã, nếu không có HĐND thì không nắm được tình hình bên dưới. Đại biểu Nguyễn Bá Thanh nhận định, mô hình không tổ chức HĐND mà chúng ta đang thí điểm chỉ phù hợp với chính quyền đô thị, không phù hợp với chính quyền nông thôn.

Theo đại biểu, ngân hàng có vị trí và vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nhưng không thấy quy định tại dự thảo Hiến pháp, đề nghị cần thiết kế đưa ngân hàng vào điều chỉnh trong Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh cho rằng, vai trò của Viện kiểm sát rất quan trọng. Vấn đề cơ bản là ngành kiểm sát phải kiểm sát được các hoạt động điều tra của ngành công an và phải kiểm sát được công tác xét xử của ngành tòa án. "Cần thiết kế lại Viện kiểm sát trong Hiến pháp cho phù hợp chức năng, nhiệm vụ. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo hoạt động tố tụng phải công bằng, tránh gây mất niềm tin trong nhân dân", ông Thanh đề nghị.

Về địa vị pháp lý của HĐND, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị chọn phương án thứ nhất, quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có quyền quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương.

Nhân dân góp ý trong 3 tháng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết từ tháng 1-2013 đến hết tháng 3-2013, nhân dân cả nước sẽ góp ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Sau đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ tổng hợp ý kiến, gửi Trung ương, Bộ Chính trị để chắt lọc những nội dung liên quan đến những vấn đề cốt lõi, sau đó Quốc hội thảo luận.

Từ tháng 5-2013 đến tháng 10-2013 là thời gian các đại biểu Quốc hội phân tích rồi tiến tới biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 6. “Đại biểu Quốc hội phải là đại diện cho ý chí của nhân dân chứ không còn là ý chí của cá nhân mình trong sửa đổi Hiến pháp. Do vậy, đại biểu Quốc hội phải lắng nghe, thấu hiểu những góp ý của nhân dân về vấn đề này để quyết định biểu quyết", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh

Việc thông qua Hiến pháp sửa đổi là trách nhiệm và là vinh dự của mỗi đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chỉ khi kết tinh ý nguyện nhân dân thì Hiến pháp mới có hiệu lực sâu rộng, tạo động lực để phát triển xã hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu.

Làm rõ hơn sở hữu toàn dân

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề sở hữu toàn dân, đặc biệt là sở hữu đất đai trong những quy định chung về kinh tế của dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Vì nội dung này nếu làm rõ được và giám sát tốt thì sẽ thể hiện rõ bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo nêu ý kiến vấn đề sở hữu “chỉ nêu ngắn gọn, nội hàm của nó là các thành phần kinh tế. Đối với sở hữu đất đai thì là sở hữu toàn dân, nhưng chủ thể sẽ được xác định trước hết là Quốc hội rồi đến Chính phủ… Nhà nước đã giao đất cho dân rồi thì sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân…”.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) kiến nghị từ Chương 5 đến Chương 9 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi cần thêm những chế định về sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số vào các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác. Đại biểu này dẫn số liệu hiện vẫn còn hơn 10 dân tộc không có đại biểu  ở Quốc hội. Do vậy, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cần nêu rõ phải "đảm bảo" phát triển giáo dục đào tạo cho vùng dân tộc thiểu số (thay vì “ưu tiên”), có chính sách phát triển kinh tế “bình đẳng” bằng cách tạo dựng kinh tế thị trường (thay vì "hỗ trợ vay vốn")…

Hữu Hoa - VnExpress - Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.