.

Đẩy mạnh tuyên truyền và cưỡng chế giao thông

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Đến (ảnh), Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết từ đầu năm đến nay, với nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra của Năm An toàn giao thông, cần đẩy mạnh hơn nữa 2 giải pháp: tuyên truyền và cưỡng chế giao thông.

Đại tá Nguyễn Đến cho biết, năm 2012 được Chính phủ chọn làm Năm An toàn giao thông nhằm thiết lập trật tự kỷ cương giao thông, phấn đấu giảm từ 5-10% số vụ TNGT, chống ùn tắc giao thông. Ngay từ đầu năm, chính quyền thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trong đó đáng chú ý là việc tổ chức phân làn giao thông tại 18 tuyến đường chính trên địa bàn thành phố, thực hiện đội mũ bảo hiểm chất lượng cao. Vì vậy, tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến tích cực. TNGT đường thủy, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng, đua xe trái phép, ùn tắc giao thông kéo dài không xảy ra, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 19,7%, số người chết giảm 15,4%, số người bị thương giảm 32,17% so với chỉ tiêu đề ra của Chính phủ.

* Kết quả đó bắt nguồn từ những yếu tố nào, thưa ông?

- Ngoài sự nỗ lực của chính quyền các cấp, phải kể đến lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng, trong đó chủ công là CSGT, đã chủ động xây dựng nhiều phương án, kế hoạch, huy động lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật, tăng cường tuần tra, xử lý, bảo đảm ATGT. Qua đó, đã lập biên bản gần 100.000 trường hợp vi phạm; xử phạt, nộp kho bạc hơn 28 tỷ đồng; tạm giữ 215 ô-tô, 3.416 mô-tô; tước giấy phép lái xe 2.113 trường hợp. So với cùng kỳ, số lượng xử phạt tăng hơn 26.000 trường hợp, số tiền xử phạt tăng 13 tỷ đồng.

Lực lượng CSGT cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương của thành phố về việc phân làn đường; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, giáo viên, học sinh các trường ĐH, CĐ, phổ thông các cấp, cán bộ, công nhân viên các ngành, lực lượng lái xe, từ đó ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt, góp phần hạn chế TNGT.

* Số lượng xử lý vi phạm giao thông tăng so với cùng kỳ đồng nghĩa với việc ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế?

- Không hẳn như vậy. Kết quả xử lý tăng bắt nguồn từ sự kiên quyết của CSGT. Năm 2012, chúng tôi đã triển khai, thực hiện nhiều kế hoạch, chuyên đề xử lý vi phạm giao thông như: xử lý học sinh đi xe máy đến trường; xe chở quá khổ quá tải; người điều khiển giao thông không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; đi ngược chiều; đi không đúng phần đường, làn đường; sử dụng rượu, bia; vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định.

Người dân Đà Nẵng rất có ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Điều này đã được kiểm chứng trên các phương tiện truyền thông. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh - thiếu niên đôi lúc không tự giác chấp hành Luật Giao thông; tình trạng sử dụng rượu, bia sau giờ làm việc vẫn còn phổ biến. Và cũng phải thừa nhận rằng, công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Nội dung tuyên truyền nhàm chán, chưa sát, đúng từng đối tượng, khu vực, nên chưa có tác dụng tích cực nhằm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông.

Việc phân làn đường nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Việc phân làn đường nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

* Vậy, để thực hiện thắng lợi Năm An toàn giao thông, chúng ta phải làm gì?

- Phải duy trì 2 giải pháp chính: tăng cường công tác tuyên truyền đi đôi với cưỡng chế vi phạm giao thông. Trong công tác tuyên truyền, cần tập trung vào lứa tuổi thanh - thiếu niên, học sinh, lực lượng lái xe, nhất là lái xe khách; tuyên truyền miệng kết hợp hình ảnh trực quan sinh động; nội dung phải phong phú, sát từng đối tượng, từng địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, công nhân viên, người lao động, giáo viên, sinh viên trên toàn thành phố. Tổ chức các chuyên đề bảo đảm TTATGT, trong đó tiếp tục tổ chức xử lý chuyên đề học sinh đi xe máy đến trường; đồng thời mở các chuyên đề xử lý xe độ chế, xe lôi, xe kéo; xe không bảo đảm điều kiện kỹ thuật lưu thông trên đường; thực hiện chuyên đề xử lý xe khách trong dịp Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Bộ Công an.

Với việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp, tôi tin chắc Đà Nẵng sẽ hoàn thành mục tiêu Năm An toàn giao thông của Chính phủ, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

* Xin cảm ơn ông!

Cũng theo Đại tá Nguyễn Đến, từ ngày 10-11, Nghị định 71/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Nghị định 34/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, tăng mức xử phạt và bổ sung một số hành vi, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm. Đáng chú ý là mức xử phạt tăng từ 1,5 - 3 lần đối với những lỗi nghiêm trọng và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, ùn tắc giao thông.

Trong Nghị định này, với hành vi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, gây TNGT, hoặc không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ, mức phạt cao nhất đến 25 triệu đồng và tước giấy phép lái xe. Trường hợp uống rượu bia điều khiển ô-tô cũng có mức xử phạt cao nhất đến 15 triệu đồng/lần vi phạm. Ngoài ra, một số hình phạt được bổ sung mới như: tăng thời gian tạm giữ phương tiện, tạm giữ bằng lái xe, tước giấy phép lái xe...

NGỌC PHÚ thực hiện

;
.
.
.
.
.