.

Điềm tĩnh để được lòng dân

.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại trụ sở UBND các quận, huyện, xã, phường thường xuyên tiếp xúc với dân. Vì vậy, việc xây dựng hình ảnh người cán bộ với nụ cười thân thiện, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo được xem là nhiệm vụ trọng tâm mà mỗi cán bộ trẻ công tác tại bộ phận này phải hoàn thành.

Cán bộ trẻ tại xã Hòa Phong tiếp nhận hồ sơ của công dân.       Ảnh: MỸ HẠNH
Cán bộ trẻ tại xã Hòa Phong tiếp nhận hồ sơ của công dân. Ảnh: MỸ HẠNH

Xây dựng “nụ cười công sở”

Những cán bộ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả không chỉ đảm nhận trách nhiệm hoàn thành tốt chuyên môn mà còn phải giữ hình ảnh lịch sự, văn minh, thân thiện và gần gũi với người dân. Anh Lê Thế Nhân, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu, cán bộ trực tiếp phụ trách Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho biết, trung bình mỗi ngày, bộ phận này tiếp nhận và xử lý gần 100 lượt hồ sơ từ các bộ phận chứng thực, hộ tịch, đất đai... Tại các địa phương khác, khối lượng công việc của bộ phận này cũng căng thẳng không kém. Áp lực chuyên môn là một trong những nguyên nhân làm cho việc xây dựng “nụ cười công sở” gặp ít nhiều trở ngại, bởi có khi sự căng thẳng khiến các cán bộ trẻ “quên” việc cười với dân.

Anh Nguyễn Văn Bình, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) giải thích: “Theo quy định, cán bộ thấy dân phải niềm nở, cười trước nhưng nhiều lúc áp lực công việc làm tôi không cười nổi. Dân đến thì chỉ chào hỏi, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết công việc thôi”.

Là nhân viên mới của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), chị Nguyễn Trương Nguyệt Sương (31 tuổi), cán bộ Văn phòng - Thống kê chia sẻ: “Làm ở bộ phận này áp lực công việc rất lớn bởi số lượng hồ sơ giải quyết nhiều. Sợ nhất là có khi nhiều người dân vào cùng một lúc, mình không giải quyết kịp lại bị nói này nọ. Đặc thù công việc phải thường xuyên tiếp xúc với người dân mà mối quan hệ này rất nhạy cảm. Nếu không xử lý khéo sẽ dẫn đến những xích mích không đáng có, ảnh hưởng đến hình ảnh của phường. Vì vậy, lãnh đạo phường cũng như bản thân tôi luôn phải ý thức phương châm: với người dân phải nhiệt tình, tận tụy, gần gũi và hết sức kiềm chế. Không thờ ơ trước khó khăn của dân”.

Vẫn biết không phải lúc nào cũng có thể “thường trực” nụ cười trên môi với vẻ thân thiện, hòa nhã cần thiết, nhưng đối với những cán bộ trẻ, những người thường xuyên tiếp xúc với dân thì đây là điều thực sự nên làm. “Cũng không khó đâu, vì khi mình đã quen với công việc, mọi thứ đều đúng quy trình, thủ tục mà làm, công việc trôi chảy thì việc nở nụ cười thường xuyên là điều dễ làm”, chị Thái Thị Thu Thảo, Phó trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND quận Ngũ Hành Sơn khẳng định.

“Không nóng, không vội, không phản ứng”

Với anh Nguyễn Hoài Phương (34 tuổi), cán bộ Địa chính phường Vĩnh Trung, qua 12 năm làm việc ở bộ phận một cửa của phường, anh đã đúc rút không ít bài học: “Nói gì đi nữa thì với người dân, mình phải luôn lắng nghe và thật sự thấu hiểu mới làm việc được. Làm ở bộ phận một cửa không chỉ cần nắm vững chuyên môn mà phải học được chữ nhẫn”, anh Phương cho biết. Hỏi bất cứ cán bộ trẻ nào đang công tác tại những vị trí thường xuyên tiếp xúc với dân đều nhận được cùng câu trả lời là “phải bình tĩnh, hết sức kiên trì, nhẫn nại và bám sát phương châm: không nóng, không vội, không phản ứng”.

“Không nóng” là để thể hiện thái độ điềm tĩnh trong xử lý công việc của mỗi người cán bộ trẻ. Điều này đôi khi cũng là thử thách tâm lý đối với nhiều công chức trẻ bởi họ thường khó giữ được thái độ bình tĩnh khi người dân nóng nảy, phản ứng lại một cách thái quá. Theo đuổi cái nghề “làm dâu trăm họ”, mỗi ngày tiếp xúc với hàng chục người, với những thái độ và trạng thái tâm lý khác nhau đôi khi cũng là áp lực vô hình đối với người cán bộ trẻ. Kinh nghiệm từ những năm công tác, anh Nguyễn Văn Bình tâm sự: “Có trường hợp người dân bực bội, la mắng cán bộ nhưng mình phải bình tĩnh giải quyết theo đúng quy định. Từ từ giải thích chứ nếu nói lại điều gì không phải sẽ gây mất lòng dân. Mà nếu mình nóng, rồi nạt nộ dân thì họ lại nói cán bộ thân thiện đâu không thấy lại thấy nặng lời với dân. Như vậy sẽ mất uy tín của chính quyền và bản thân mình. Kể cả trong công việc, nếu mình “vội” thì cũng dễ dẫn đến sai sót”.

Theo anh Lê Thế Nhân, ưu điểm lớn nhất của cán bộ trẻ là sức làm việc dẻo dai, nhanh nhẹn, nhiệt tình, tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin nên việc triển khai công việc khá thuận lợi. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của đối tượng cán bộ này là còn thiếu kinh nghiệm trong chuyên môn cũng như trong việc giao tiếp với người dân nên thỉnh thoảng còn xảy ra một vài sự cố không đáng có. Vì vậy, ở bất cứ địa phương nào, việc duy trì thái độ đúng mực, bình tĩnh, hòa nhã với dân, nghĩa là phải thân thiện với dân luôn được đề cao, nhất là đối với cán bộ trẻ. Làm được điều đó, họ không những tạo hình ảnh tốt đẹp trong lòng dân mà quan trọng hơn là tạo sự tin tưởng của người dân, tin vào mục tiêu “vì dân” mà chính quyền các cấp vẫn hướng đến.

MỸ HẠNH - HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.