.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp xúc cử tri

Cử tri bức xúc về hàng hóa nhập lậu, tệ nạn tham nhũng

.

Sáng 26-11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng gồm các ĐB: Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng; Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng; Thiếu tướng Lê Văn Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 5; Thân Đức Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên CIENCO 5; Nguyễn Thị Kim Thúy, ĐBQH chuyên trách đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri. 		        Ảnh: N.THÀNH
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri. Ảnh: N.THÀNH

Thay mặt đoàn, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn báo cáo những kết quả chủ yếu của kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII. Theo đó, QH đã thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; đề ra mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2013. Trong đó, các mục tiêu chủ yếu của năm 2013 là: GDP tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%; tạo việc làm cho khoảng 6 triệu lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%... Để thực hiện các mục tiêu này, QH yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế; tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để tập trung thực hiện đột phá chất lượng nguồn nhân lực; chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với mọi hành vi tham nhũng; thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản về phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giảm bớt thủ tục hành chính...
Kỳ họp đã thảo luận và thông qua 9 luật; xem xét cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật; thông qua 7 nghị quyết. Trong đó, Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là toàn bộ nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; hình thức lấy ý kiến đa dạng, phong phú; thời gian lấy ý kiến từ ngày 2-1-2013 đến ngày 31-3-2013.

Trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ QH đã báo cáo trước QH kết quả giám sát việc giải quyết 1.675 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII. Tại kỳ họp, đã có 207 ý kiến chất vấn của 96 ĐBQH ở 46 đoàn ĐBQH; có 5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường gồm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng các bộ: Công thương, Y tế, Xây dựng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Tại kỳ họp, các ĐBQH của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đều tham dự đầy đủ và tích cực tham gia phát biểu ý kiến tại các phiên thảo luận ở tổ, ở hội trường cũng như tại các cuộc họp của các Ủy ban chuyên trách của QH; các ý kiến phát biểu đạt chất lượng tốt, có tính phản biện cao, chỉ ra nhiều vấn đề còn bất hợp lý của các đề án, dự án luật, được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.

Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc của Đoàn ĐBQH thành phố cho rằng, hoạt động của QH tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII đã được cải tiến, chất lượng và hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, QH vẫn chưa thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước; việc kiểm soát quyền lực còn yếu. Thời gian của các kỳ họp còn kéo dài; cần tổ chức họp theo chuyên đề và tăng số lượng ĐBQH chuyên trách; phải tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của QH. Hoạt động trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ chưa sâu, còn né tránh, chưa dám nhìn thẳng sự thật và nhận trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt, các cử tri nhấn mạnh vấn đề phòng, chống tham nhũng cần được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ và đạt hiệu quả thiết thực...

Thay mặt đoàn ĐBQH thành phố, đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tiếp thu và giải trình những ý kiến của cử tri; trong đó nhấn mạnh rằng, mặc dù chưa thỏa mãn nguyện vọng của đông đảo cử tri, nhưng kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII đã có những chuyển biến tích cực; không khí đổi mới, dân chủ, tinh thần phản biện... ngày càng cao hơn; từ đó góp phần tích cực vào sự thành công của kỳ họp và sự đổi mới hoạt động của QH.

N.T

Chiều cùng ngày, các ĐBQH Huỳnh Ngọc Sơn, Huỳnh Nghĩa, Thân Đức Nam có buổi tiếp xúc cử tri quận Cẩm Lệ. Thay mặt đoàn, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn báo cáo tóm tắt kết quả của kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII.

Cử tri quận Cẩm Lệ tập trung phản ánh lo ngại về tình trạng hàng hóa, thực phẩm bẩn, chứa chất độc hại từ Trung Quốc nhập lậu vào nước ta với số lượng lớn, cạnh tranh với hàng nội địa không chỉ làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Các cử tri bày tỏ bức xúc vì sao tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường diễn ra liên tục và kéo dài nhưng không được xử lý, phải chăng do lực lượng chức năng yếu kém, bất lực, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý, xử lý, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay của một số cán bộ.

Tình trạng mãi lộ ngày càng phổ biến trong lực lượng cảnh sát giao thông hay việc bác sĩ nhận phong bì lót tay đang làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân cũng như đội ngũ “từ mẫu” với thiên chức cứu người cũng là vấn đề mà cử tri Cẩm Lệ tập trung phản ánh, đồng thời bày tỏ băn khoăn, với chức năng giám sát của mình, các ĐBQH sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước loại trừ nạn tham nhũng đang ngày càng trầm trọng.

Thay mặt đoàn ĐBQH thành phố, đồng chí Huỳnh Nghĩa đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của cử tri quận Cẩm Lệ, đồng thời bày tỏ hy vọng trong thời gian tới Đảng và Nhà nước sẽ xây dựng lực lượng chuyên trách điều tra chống tham nhũng với chế độ chính sách, đãi ngộ tốt để họ có thể tận tâm với công việc của mình. Đồng chí Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh chống tham nhũng là công việc của toàn hệ thống chính trị. Toàn Đảng, toàn dân phải vào cuộc, cùng giám sát, phát hiện và tố cáo mọi hành động tham nhũng; có như vậy mới mong đẩy lùi được nạn tham nhũng.

MAI TRANG

Cùng thời gian trên, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng gồm các ĐB Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng; Nguyễn Kim Thúy, Lê Văn Hoàng đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang.

Sau khi nghe ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII, cử tri huyện Hòa Vang đã bày tỏ bức xúc về các vấn đề liên quan đến tình trạng tham nhũng; dự án quy hoạch treo, đền bù giải tỏa, tách thửa… Cử tri bày tỏ bức xúc trước tình trạng tham nhũng tồn tại kéo dài và cho rằng nên thực hiện kê khai tài sản từ trên xuống, có báo cáo cho dân biết để dân bàn, dân kiểm tra. Cử tri cho rằng, hiện nay các dự án đã công khai hóa về quy hoạch nhưng chưa công khai về giá đền bù. Về công tác kiểm định, mỗi tổ kiểm định có một cách tính áp giá khác nhau gây mâu thuẫn giữa các hộ dân. Nhiều cử tri cũng bày tỏ mong muốn được chính quyền tạo điều kiện tách thửa cho con cái đối với các dự án quy hoạch treo, kéo dài nhiều năm để giúp người dân ổn định cuộc sống. Cử tri bày tỏ bức xúc trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, thực phẩm kém chất lượng. Ngoài ra, nhiều cử tri quan tâm đến chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường; xã hội hóa bảo hiểm y tế toàn dân; chính sách ưu đãi cho người nghèo...

Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã tiếp thu và giải trình các ý kiến của cử tri. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh khẳng định, ở những vùng quy hoạch, chỉ cho người dân làm nhà cấp 4, không cho xây nhà tầng, nhà đúc. Đồng chí cũng đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân tách thửa cho con cái làm nhà, ổn định cuộc sống. Về vấn đề tham nhũng, đồng chí cho rằng, đây là vấn đề quốc nạn, tinh vi và muôn hình vạn trạng do 3 yếu tố chính, đó là giáo dục còn yếu kém, luật pháp chưa nghiêm, cơ chế quản lý còn sơ hở. Do đó, cần phải có thời gian và giải quyết đồng bộ thì mới chống được tham nhũng.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.