.

Hộ chiếu in hình lưỡi bò: Gây mất lòng tin, tạo căng thẳng

.

Câu chuyện đường chữ U trên biển Đông tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học thuộc hơn 30 quốc gia tham dự hội thảo VN học đang diễn ra tại Hà Nội.

Tại Tiểu ban các vấn đề khu vực và Tiểu ban quan hệ quốc tế, các học giả tiếp tục đưa ra những nghiên cứu và lập luận phản bác lại quan điểm của Trung Quốc về đường chữ U cũng như hành động đưa bản đồ có đường chữ U vào hộ chiếu.

* TS Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ):

Chìa khóa là sự đoàn kết của Asean

Asean phải đoàn kết. Đó là điều quan trọng nhất. Dù có nhiều nước trong Asean không liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở biển Đông nhưng họ cần phải cân nhắc, vì nếu để khối đoàn kết bị tan rã như bó đũa bị bẻ gãy từng chiếc thì biển Đông có nguy cơ thành hồ lớn của Trung Quốc và khi đó sẽ khiến các nước trong khu vực “nghẹt thở”.

Việc Trung Quốc vừa qua in hình bản đồ đường lưỡi bò lên hộ chiếu - một việc chưa từng có tiền lệ - là một phép thử “mềm nắn rắn buông”. Nếu họ làm bá chủ bằng quyền lực mềm không được thì sẽ bằng cách “cứng”: lấn từng bước nhỏ để tạo sự đã rồi. Trong trường hợp này, Trung Quốc dùng một hành động tượng trưng để thể hiện yêu sách chủ quyền và vì thế, Việt Nam đáp lại bằng một hành động tượng trưng khác. Theo tôi, phản ứng của Việt Nam như vậy là hợp lý.

* TS Anatoly Sokolov (Viện hàn lâm Khoa học Nga):

Hành động rất tiêu cực

Hộ chiếu in hình đường lưỡi bò là một sự kiện chưa từng có tiền lệ. Đây là quyền chủ quyền của bất cứ nước nào, không ai cấm, nhưng làm như vậy sẽ tác hại đến quan hệ với các nước khác.

Tôi nghĩ tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông phải tránh tiêu cực, mà hành động này rất tiêu cực. Nó tạo ra môi trường không có lòng tin giữa các đối tác. Càng hành động một cách đơn phương, mặc kệ ý kiến của đối tác, càng gây mất lòng tin và tạo căng thẳng. Bây giờ không ai hành động như thế.

Nước Nga khi cấp visa cho công dân Trung Quốc giữ hộ chiếu đường lưỡi bò không có nghĩa là Nga công nhận đường lưỡi bò đó. In cái gì trên hộ chiếu là quyền của nước cấp hộ chiếu, họ có thể in đường lưỡi bò hay chuột Mickey (nhân vật hoạt hình - PV) thì mình cũng không làm gì. Hành động thông tin có thể phản ứng bằng chính sách thông tin, phản đối ngoại giao. Theo tôi, như vậy là hợp lý.

* TS Grigory Lokshin (Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Nga):

Lo ngại về chủ nghĩa dân tộc cực đoan

Nga không muốn thấy xung đột vũ trang, chỉ muốn giữ gìn ổn định, hợp tác với tất cả các nước và vì thế không muốn một nước nào đó độc quyền biển Đông. Đó là của cải chung của loài người, không phải của riêng một nước nào đó.

Trong thực tế, tất nhiên người ta phải hiểu rằng, trong mỗi một nước đều có các suy nghĩ khác nhau, lực lượng chính trị khác nhau, nhưng có nguy cơ rất đáng chú ý là chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang tăng lên ở Trung Quốc.

Đây là phong trào nguy hiểm và có thể vượt qua kiểm soát. Như vậy, các học giả phải làm tất cả để thông tin dư luận cho thế giới chú ý nhiều hơn vào khu vực này. Hiện nay, sự chú ý của thế giới đang dồn về Trung Cận Đông, khủng hoảng kinh tế thế giới..., nhưng cũng rất cần vận động lực lượng yêu hòa bình quan tâm tới tình hình biển Đông để không cho phép lực lượng xâm lược, hiếu chiến đạt được mục tiêu của chúng.

GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc):

Mỹ vẫn đang để mắt tới biển Đông

Trung Quốc có hệ thống xử lý khủng hoảng vào loại tốt nhất thế giới. Mỗi khi có sự cố gì xảy ra, ngay lập tức họ lên tiếng phủ nhận, nói rằng chưa bao giờ có sự cố như vậy, rằng phía bên kia đang dựng chuyện, nói dối... hoặc cho rằng họ chỉ đang thực hiện quyền tài phán thông thường.

Chẳng hạn, khi một thuyền trưởng tàu Trung Quốc bắn vào ngư dân của một nước khác, ngay lập tức họ nói không có chuyện như vậy, người khác đang nói dối.

Tôi nghĩ chủ trương in bản đồ đường lưỡi bò lên hộ chiếu đã được chuẩn bị từ lâu. Việc in một bản đồ có vùng đang tranh chấp trên hộ chiếu là việc chưa từng có quốc gia nào thực hiện. Tôi hi vọng Trung Quốc sẽ suy xét lại chính sách biển Đông của họ, nhưng tất cả còn phải chờ xem thế nào.

Việc Mỹ lên tiếng không công nhận bản đồ đường chín đoạn in trong hộ chiếu Trung Quốc sẽ làm cho Trung Quốc bực bội, nhưng đó là tín hiệu rõ ràng là Mỹ vẫn đang theo dõi sát sao tình hình ở biển Đông.

* Tiến sĩ David Koh (chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore):

Trung Quốc không chân thành trong vấn đề biển Đông

* Từ góc độ nhà nghiên cứu học thuật độc lập, ông đánh giá thế nào về hành động in đường lưỡi bò lên hộ chiếu của Trung Quốc?

- Tôi nghĩ hành động của Trung Quốc không giúp ích được gì (cho tình hình căng thẳng ở biển Đông hiện nay) và sẽ khiến các nước cùng khẳng định chủ quyền ở biển Đông tăng cường phản đối. Việc này sẽ khiến các nước này càng khẳng định quan điểm cho rằng, Trung Quốc chẳng có sự chân thành nào hết trong việc tìm kiếm thỏa hiệp về vấn đề biển Đông. Một lần nữa cho thấy, Trung Quốc cứ luôn tuyên bố là sẵn sàng nói chuyện hòa bình và thỏa hiệp trên bàn đàm phán nhưng cùng lúc lại sẵn sàng hành động theo cách mà Trung Quốc muốn, không để ý gì tới quan điểm của các nước khác.

* Không quốc gia nào thừa nhận đường chín đoạn. Ông có cho rằng nước nào cho phép công dân Trung Quốc cầm hộ chiếu mới nhập cảnh cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận cái bản đồ bất hợp pháp này?

- Tôi nghi ngờ tính pháp lý của cái bản đồ được in trên hộ chiếu như thế. Các quốc gia tiếp nhận hộ chiếu có thể kiện Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc để cho thế giới biết chuyện.

Tôi cũng không chắc hộ chiếu mới này sẽ ảnh hưởng tới tự do hàng hải ở biển Đông. Tất nhiên, bất kỳ nước nào cũng có quyền cấp hộ chiếu theo cách mà họ muốn, nhưng thử tưởng tượng, nếu Nhật in hình đền thờ nổi tiếng là nơi thờ các tội phạm chiến tranh trong Thế chiến thứ hai thì Trung Quốc sẽ cảm thấy thế nào?

* Ông có nghĩ việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu mới đồng nghĩa với nước này gia tăng căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế?

- Tôi nghĩ, Trung Quốc đang cố tỏ ra kiên định (với mục tiêu đòi chủ quyền biển Đông). Nhưng nước này cần dừng lại để suy nghĩ xem việc “kiên định” như vậy có tốt cho các mục tiêu chiến lược của họ hay không.

Theo Tuổi Trẻ

TIN LIÊN QUAN

;
.
.
.
.
.