.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Hết lòng vì người bệnh

.

Với nhân dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, hình ảnh chị Huỳnh Thị Tuân, Phó trưởng Trạm Y tế phường, không mấy ai xa lạ. Chị đã đỡ đẻ cho hàng ngàn bà mẹ, chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm người dân và là tấm gương phấn đấu cho đồng nghiệp noi theo.

Chị Tuân ân cần chăm sóc sức khỏe cho sản phụ.
Chị Tuân ân cần chăm sóc sức khỏe cho sản phụ.

Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Tuân ao ước được khoác chiếc áo blouse trắng để chữa bệnh cho những người kém may mắn trong cuộc sống. Học xong phổ thông, chị thi vào trường y. Tốt nghiệp hộ sinh trung học ở Trường Trung cấp Y tế Tam Kỳ, năm 1982, chị trở về cống hiến sức mình nơi mảnh đất chị được sinh ra và lớn lên tại phường Thọ Quang.

Nét mặt hiền từ, chị Tuân kể cho tôi nghe những khó khăn và vất vả suốt hơn 30 năm công tác. Có nhiều kỷ niệm nhưng chị vẫn nhớ nhất là lần cứu một sản phụ bị băng huyết trong cơn “thập tử nhất sinh”. Trong lúc sản phụ đối mặt giữa sự sống và cái chết, chị bình tĩnh tiêm thuốc, cầm máu và gọi xe thồ chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Mỗi giây trôi qua lúc này đối với người bệnh hết sức quý giá. Dép không mang, quần áo dính đầy máu, vừa chuyển bệnh nhân vào bệnh viện, chị như đứng trên đống lửa vì sản phụ lúc này hết sức nguy kịch, hôn mê sâu. Từ 2 giờ đến 2 giờ 20, chỉ trong vòng 20 phút, chị ngỡ như mình đã làm hàng ngàn việc để cố gắng cứu sống người bệnh. Khi nghe tiếng bác sĩ trong phòng cấp cứu nói “sống rồi”, chị ngồi bệt xuống đất và khóc òa trong niềm vui sướng. “Chúng tôi có phước mới gặp được cô y tá nhiệt tình như thế. Nếu đêm hôm đó không có chị, chắc con tôi giờ không có mẹ”, người sản phụ năm đó chia sẻ. Có những đêm không phải ca trực, nhưng ở trạm có ca sinh khó, dù đêm khuya thế nào chị cũng đến. Nhìn những đứa trẻ ra đời trên đôi tay của mình, “mẹ tròn con vuông”, chị cảm thấy hạnh phúc được nhân lên gấp bội. Hơn 20 năm, chị đã luôn làm tốt vai trò của mình trong việc giúp các chị em “vượt cạn” an toàn.

Suốt những năm làm cán bộ y tế phường, chị Tuân luôn học hỏi thêm kinh nghiệm và chuyên môn từ đồng nghiệp, hết lòng tận tâm trong công việc. Năm 2005, chị được bổ nhiệm làm Phó trưởng Trạm Y tế phường Thọ Quang. Ngoài nhiệm vụ mới, chị đảm nhiệm chuyên trách về tâm thần cộng đồng và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Nhiều câu chuyện cảm động khiến tôi chăm chú lắng nghe từng chi tiết, thể hiện sự hết lòng tận tụy với bệnh nhân tâm thần, vận động phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch, chữa bệnh cho bà con không lấy tiền... của chị. Chị được nhân dân ở địa phương tin tưởng và yêu mến.

Đối với 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Nga (Khu chung cư S, khối Thành Vinh 10) thì chị Tuân vừa là ân nhân vừa là người nhà. Chồng bỏ, con bị bệnh tâm thần và đôi chân tật nguyền, hằng tuần chị Nga phải đến Trạm Y tế phường để lấy thuốc về cho con. Một lần dẫn con đi bộ lê lết từ nhà đến Trạm Y tế, chân cháu Tuấn (con chị Nga) bị sưng tím, máu chảy bê bết, chị Tuân thấy thương vô hạn. Hằng ngày, trước khi đi làm, chị Tuân tranh thủ đến nhà chị Nga để chữa trị vết thương cho cháu Tuấn. Hơn một tháng, khi chân cháu Tuấn lành lặn, chị vẫn không bận tâm đến tiền bồi dưỡng và tiền thuốc men. Vì với chị, suốt đời luôn tâm nguyện và phấn đấu theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Mỗi khi trong phường có người ốm đau, chị có mặt kịp thời để sơ cứu ban đầu, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc người bệnh, hoặc cùng đưa người bệnh đến y tế tuyến trên. Với lòng yêu nghề và sự cần mẫn trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, chị cùng với các đồng nghiệp luôn thực hiện tốt việc chăm sóc và khám chữa bệnh cho nhân dân, hạn chế tình trạng chuyển tuyến. 4 năm liền, chị vinh dự được khen thưởng trong việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chia tay chị, tôi vẫn còn nhớ mãi dáng blouse trắng miệt mài bên bàn làm việc. Những việc chị làm hết sức thầm lặng nhưng giúp được bao nhiêu bệnh nhân có cơ hội được khám chữa bệnh và vươn lên trong cuộc sống.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.