Khi quyết định gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, bà Ngô Thị Dao, nguyên Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường mầm non (MN) Tuổi Ngọc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) luôn mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho trẻ.
Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục mầm non, bà Ngô Thị Dao luôn mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho trẻ. Ảnh: THU HÀ |
Trước đó, bà Dao công tác ở Trường MN Tuổi thơ, năm 2006 tách trường bà chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Ngọc. Bà nhớ, khi mới tách trường, chỉ có 8 giáo viên, khó khăn thiếu thốn chồng chất. Ngày khai giảng năm học đầu tiên vỏn vẹn 23 học sinh. Ngôi trường nằm giữa khoảng đất trống, không có tường bao, sân chơi vẫn là nền đất, đầy cỏ dại. Thậm chí, đường vào trường cũng khó đi bởi cứ mùa mưa là lầy lội, nhiều phụ huynh không muốn gửi con.
Bà Dao không quên được ngày khai giảng năm đó, các cô giáo đã phải đi đón các cháu đến trường dự lễ khai giảng. Với lòng nhiệt huyết và yêu nghề, bà luôn trăn trở làm sao để có môi trường tốt nhất cho trẻ học tập. Rất may, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trường từng bước hoàn thiện, ban đầu là được hỗ trợ xây tường rào, cổng ngõ để bảo vệ học sinh, rồi đến sân chơi, con đường dẫn vào trường…
Suốt 2 năm đầu tiên, khi trường mới thành lập, Ban giám hiệu phải ngồi dưới sàn nhà làm việc bởi cứ có kinh phí là ưu tiên sắm sửa bàn ghế, kệ ngủ cho trẻ. Bà Dao tâm niệm, phải đặt quyền lợi của trẻ lên hàng đầu rồi đến giáo viên. Nhưng tất cả trang thiết bị đều được mua sắm dần dần, một cách tiết kiệm, do không có đủ kinh phí. Hầu hết ca, kệ, máng nước đều bằng inox sáng bóng, sạch sẽ.
Sau hơn 3 năm nỗ lực và phấn đấu, năm 2009, Trường MN Tuổi Ngọc đạt chuẩn quốc gia mức 1, và chỉ 2 năm sau trường được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và Cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước ngành học MN thành phố năm học 2010-2011. Riêng năm học 2011-2012, trường tiếp tục thực hiện chủ đề “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”, tham gia cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo” và việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Với mong muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ, bà Dao luôn động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên trong trường có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Từ 8 giáo viên, nay trường có 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên đạt chuẩn quy định (12+2); 96% đạt trên chuẩn (trình độ CĐ, ĐH); các giáo viên đều biết sử dụng máy vi tính, đàn organ. Bà Dao cho biết, trước kia, mỗi lần trường tổ chức chương trình cần tới âm nhạc đều phải đi thuê bên ngoài, vừa tốn kém, vừa không chủ động. Từ năm 2008, trường có giáo viên được đào tạo bài bản về nhạc lý, các chương trình do trường tổ chức cũng chủ động hơn về phần âm nhạc, tiết kiệm được nhiều khoản kinh phí và điều quan trọng là các giáo viên tự tin hơn trong công tác giảng dạy.
Ngoài chất lượng giảng dạy, trường còn có một sân chơi thiên nhiên xanh - sạch - đẹp dành cho trẻ. Mỗi tuần, trẻ có 2 giờ hoạt động ngoài trời, được trải nghiệm ở khu vui chơi thiên nhiên. Từ 23 trẻ, nay trường có 510 trẻ. Thậm chí, khi trẻ vào lớp 1, bà Dao vẫn thường dõi theo, xem trẻ có dạn dĩ, tự tin hòa nhập với môi trường mới, từng bước điều chỉnh cách dạy và học cho phù hợp.
Không những thế, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường MN Tuổi Ngọc còn thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa với các thành tích như: giải nhất toàn đoàn kỷ niệm 15 năm thành lập quận Liên Chiểu, trường vinh dự đại diện cho Công đoàn ngành giáo dục quận Liên Chiểu tham gia giao lưu với Công đoàn giáo dục toàn thành phố, thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn… Nhiều năm liền, Chi bộ trường đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh (2006-2011), trong đó có 3 năm liên tục là tiêu biểu, xuất sắc.
Là người sát cánh cùng bà Ngô Thị Dao ngay từ những ngày mới thành lập trường, đồng thời là người kế nhiệm công tác quản lý, bà Ngô Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Ngọc chia sẻ: “Tạo dựng một thương hiệu đã khó, nhưng giữ được còn khó hơn. Bởi vậy, những thành quả cô Dao để lại chính là động lực để đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”.
THU HÀ