.

Khi những con đường rộng mở

.

Khi đường ĐT 602 chuẩn bị khánh thành vào dịp 29-3-2009, cũng là lúc người dân ở dọc hai bên con đường dài 14km nối từ quốc lộ 1A vào đến Khu du lịch Bà Nà-Suối Mơ tất bật chuẩn bị công việc làm ăn mới của mình.

Anh Lê Quốc Toàn ở thôn An Ngãi Đông (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), vui vẻ kể chuyện với chúng tôi: “Trước khi mở con đường này, nhà tôi nằm sát chân ruộng, bây chừ ra mặt tiền đường rộng 15 mét, vợ chồng tôi quyết định bên cạnh nghề nông sẽ tranh thủ bán bún buổi sáng kiếm thêm tiền cho mấy đứa con đi học”. Mới đó mà đã 3 năm trôi qua, khi chúng tôi trở lại thì quán bún nhà anh Toàn đã trở nên quen thuộc của bà con nơi đây cũng như khách vãng lai. Anh khoe với chúng tôi: “Nhờ con đường này mà kinh tế gia đình được cải thiện rõ, mỗi ngày kiếm hơn 200 ngàn đồng. Không những nhà tôi mà hầu hết bà còn thôn An Ngãi Đông này đều buôn bán thêm nên kinh tế khá lên trông thấy”. Quả thực, nếu những ai trước đây từng biết thôn An Ngãi Đông nói riêng và xã Hòa Sơn nói chung, hay xã Hòa Liên (hai xã có tuyến đường ĐT 602 chạy qua), giờ trở lại đều bất ngờ về sự thay da đổi thịt nơi đây. Buổi tối đèn đường sáng choang, dọc hai bên đường hàng quán san sát nhau khiến cuộc sống vùng núi này sôi nổi lên hẳn. Gặp gỡ những người dân nơi đây, họ đều tỏ ra phấn chấn trước sự thay đổi cuộc sống của mình từ khi tuyến đường ĐT 602 được nâng cấp, mở rộng. Tất cả đều cho rằng nhờ có con đường này mà bây giờ muốn buôn bán gì cũng thuận tiện. Không những thế, nhiều thanh niên trong xã đã mạnh dạn xin việc làm tại các khu công nghiệp ở quận Liên Chiểu vì việc đi lại trong ngày rất thuận lợi.

Đường ĐT 602 được mở rộng, làm thay đổi cuộc sống của người dân các xã Hòa Sơn và Hòa Liên.
Đường ĐT 602 được mở rộng, làm thay đổi cuộc sống của người dân các xã Hòa Sơn và Hòa Liên.

Đặc biệt, việc thành phố xây dựng cây cầu nối liền “ốc đảo” Trường Định (xã Hòa Liên) với phần còn lại của huyện Hòa Vang được xem là minh chứng về sự “đổi đời” rõ nét nhất nhờ hạ tầng giao thông được xây dựng. Từ bao đời nay, hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu nơi đây, hễ cứ đến mùa mưa lũ lại bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Ngay đến việc đi học thì mỗi năm học sinh của thôn cũng mất gần một tháng... bỏ học vì không thể vượt sông. Nhưng bây giờ mọi việc đã trở thành câu chuyện quá khứ. Giờ đây, người dân có thể trồng những cây đặc sản của vùng đất này là mía và bắp, chăn nuôi gia cầm, gia súc mà không sợ tư thương ép giá vì... lũ lụt bao vây.

Câu chuyện “đổi đời” từ con đường, chiếc cầu như thế có thể nói rất nhiều ở huyện Hòa Vang trong khoảng 5 năm trở lại đây. Với nguồn đầu tư của Bộ GTVT, chính quyền thành phố và huyện Hòa Vang đã nối mạng giao thông khép kín không những liên xã, liên thôn mà còn với các quận của thành phố và các địa phương lân cận. Ngoài trục đường chính như quốc lộ 1A, quốc lộ 14B, đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan, cùng hệ thống đường ĐT 601, ĐT 602, ĐT 605... đã làm thay đổi hoàn toàn mạng lưới giao thông của huyện và kèm theo đó là những chuyển biến rất tích cực về kinh tế, văn hóa và xã hội. Đến nay, trên địa bàn huyện 90% hệ thống giao thông liên thôn, 70% hệ thống giao thông liên xóm đã được bê-tông hóa, nhờ vậy việc tổ chức sản xuất kinh doanh, học tập của người dân đều rất thuận lợi. Bà Trần Thị Hương ở thôn Tây An, xã Hòa Châu cho biết, trước đây đường ra cánh đồng Tây An chỉ là đường đất, cứ mưa xuống là lầy lội, vì vậy việc cơ giới hóa sản xuất không thực hiện được. Bây giờ từ quốc lộ 1A đã có con đường bê-tông rộng 5 mét đi đến cánh đồng Tây An rồi nối luôn ra cả cánh đồng Cẩm Nê của xã Hòa Tiến, nên việc trồng lúa và hoa màu của hai xã Hòa Châu và Hòa Tiến đều rất tiện lợi. Nhờ có phương tiện cơ giới làm đất kỹ hơn, nên năng suất lúa đã tăng từ 50 tạ/ha lên trên 55 tạ/ha, bà con rất phấn khởi.

Trên 90% hệ thống đường liên thôn của Hòa Vang được bê-tông hóa.
Trên 90% hệ thống đường liên thôn của Hòa Vang được bê-tông hóa.

Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, nhờ “đòn bẩy” từ hạ tầng giao thông mà giá trị sản xuất trong các năm qua của huyện liên tục cải thiện theo chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện năm 2009 đạt 822,6 tỷ đồng, đến năm 2011 tăng lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Nổi bật nhất là giá trị ngành thương mại-dịch vụ tăng rất nhanh, năm 2011 đạt 256,3 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2010.

Hạ tầng giao thông đang là đòn bẩy tích cực cho huyện Hòa Vang chuyển mình, để xích lại gần hơn với khu vực trung tâm thành phố.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN
 

;
.
.
.
.
.