.

Khó khăn đời sống công nhân - Bài 1: Chỗ ở chỉ là nơi ngả lưng

.

Có tới trên 50% công nhân (CN) tại các KCN là người ngoại tỉnh, vì vậy nhu cầu thuê nhà ở rất lớn. Thế nhưng đến nay, thành phố chưa có một khu nhà ở tập trung nào cho CN, mà họ phải tự đi thuê ở ngoài nhà dân với điều kiện ăn ở vô cùng tạm bợ.

Một góc nhà trọ của 3 nữ công nhân với trần nhà là một tấm bạt che mưa.
Một góc nhà trọ của 3 nữ công nhân với trần nhà là một tấm bạt che mưa.

Trong số hơn 60.000 công nhân, lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố, hầu hết đang chịu khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, trong đó các vấn đề về nhà ở, thu nhập, tìm bạn đời và chăm sóc con cái để yên tâm sản xuất là những vấn đề bức thiết nhất đối với họ hiện nay. Nhóm phóng viên Kinh tế đã có cuộc khảo sát nhiều ngày tại nhiều khu nhà trọ xung quanh các KCN để có cái nhìn cận cảnh về thực trạng đời sống CNLĐ.

Tạm bợ

Hầu hết những công nhân khi chúng tôi tiếp xúc đều nói chỗ ở của họ chỉ là nơi để “ngả lưng” sau những giờ lao động căng thẳng và vất vả, chứ không phải là phòng hay là nhà gì cả. Còn chúng tôi khi đến nơi ở của một số công nhân đã thực sự bất ngờ bởi sự tồi tàn và tạm bợ. Hầu hết đều là phòng có diện tích rất nhỏ, từ 8-12m2, mái tôn thấp lè tè nhưng lại không có la-phông, vì vậy mùa nắng thì nóng như thiêu, còn mùa đông thì lạnh buốt. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh trật tự những nơi có nhiều công nhân ở trọ cũng khá phức tạp.

Năn nỉ mãi, chúng tôi mới được nhóm công nhân tại khu nhà trọ ở tổ 8 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho “đứng từ ngoài nhìn vô, chứ không được vô trong vì phòng đang có... mùi khó chịu”. Chị L.T.H., công nhân một nhà máy chế biến thủy sản mới nghỉ việc, đang nộp đơn vào Công ty TNHH Điện tử Foster phân trần: “Mưa mấy ngày nay, nhà vệ sinh ngập nước, nên có mùi khó chịu lắm”. Quan sát căn phòng chưa đầy 8 mét vuông này, chúng tôi thực sự không hiểu 3 nữ công nhân quê ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) làm sao sống được? Tường xây đã quá cũ, nhiều chỗ bong tróc, có đoạn tường nứt ra để lộ cả vệt dài, đến nỗi phòng bên cạnh cũng có thể nhìn qua. Còn mái tôn đã mục nát với chi chít những lỗ thủng, vì vậy chủ nhà đã “hỗ trợ” bằng cách căng một tấm bạt giữa phòng. Tuy nhiên, theo các nữ công nhân cho biết: “Tấm bạt quá chỉ đủ che một góc để áo quần và thức ăn mà thôi, còn lại cứ mưa là tụi em thức ngồi tụm vào chỗ có tấm bạt”.

Không bị mùi từ nhà vệ sinh trong phòng “tấn công” vì sử dụng nhà vệ sinh chung, thế nhưng phòng ở của những công nhân thuê tại tổ 15 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cũng gây cho chúng tôi bất ngờ về sự tạm bợ. Căn phòng chỉ rộng 14m2, nhưng có đến 8 nam công nhân ở, thực chất chỉ là 4 bức tường, có một cửa sổ nhỏ và một cửa ra vào, một ổ cắm điện và một bóng đèn. Anh Lê Văn Thành, công nhân thuê nhà, cho biết: “Do chủ nhà chỉ tính giá mỗi phòng 1 triệu đồng/tháng, không tính số lượng người ở, nên tụi em rủ nhau ở để chia bớt tiền nhà. Tụi em chỉ trải chiếu nằm đất mới đủ chỗ, nhưng nằm kiểu này mùa đông lạnh lắm, ngược lại mùa hè cả gần chục con người “nhốt” trong phòng chẳng khác gì... lò sưởi, nên chẳng ngủ được”. Theo những công nhân tại khu nhà trọ này tính toán, do mức lương hiện nay chỉ gần 2 triệu đồng (nếu không tăng ca) mà thuê nhà rộng rãi, tiện nghi hơn một chút thì cộng với tiền điện, nước... đến cuối tháng sẽ không còn tiền, vì vậy tốt nhất là rủ nhau ở chung, chủ yếu để tối về ngả lưng là chính.

Cũng do lương thấp nên nhiều gia đình công nhân chấp nhận cảnh thuê nhà ở chung, vì vậy mới có chuyện vợ chồng chung nhà mà như... bạn bè. Anh Lê Văn Phát, công nhân Công ty TNHH xây dựng Tiến Phát, kể cho chúng tôi “nghịch cảnh” của những gia đình công nhân: Bọn em có cả thảy 12 người, trong đó có 4 cặp vợ chồng và có 4 thanh niên ở cùng quê là huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Để tiết kiệm nên phải thuê chung ngôi nhà 40 m2, 4 nữ ở phòng trong, 8 thanh niên còn lại ngủ ở phòng khách. Vì vậy, vợ chồng chung nhà mà cảm thấy “xa” nhau. Quả thật, thăm ngôi nhà nằm trong con hẻm sâu đường Ngô Quyền, chúng tôi thực sự thương họ vì sự tạm bợ và khó khăn, thiếu thốn của những gia đình công nhân này.

Chung cư cho công nhân- chưa biết bao giờ?

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn thì với hơn 60.000 công nhân, thành phố Đà Nẵng cần đến khoảng 280 ngàn m2 nhà ở (dạng ký túc xá), tương đương với mức kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 400 tỷ đồng. Đây quả là một con số rất lớn, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Để giải bài toán này, từ nhiều năm trước thành phố đã đưa ra nhiều chủ trương xã hội hóa xây dựng khu ký túc xá cho công nhân, thành phố sẽ hỗ trợ về đất. Tuy nhiên, chỉ có Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Hưng Phú làm chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân và triển khai xây dựng từ năm 2010. Vậy nhưng hiện nay, dự án đã dừng thi công với lý do là không đủ khả năng về tài chính. Cũng vì lý do này mà hầu hết chủ doanh nghiệp đã “nói không” với chương trình này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quan Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster, đơn vị có khoảng 15.000 công nhân làm việc, cho rằng việc xây dựng khu ký túc xá cho tất cả công nhân là quá khả năng tài chính của công ty, vì vậy đơn vị không có chủ trương này. Việc công ty có thể giúp công nhân là hỗ trợ mỗi người 100 ngàn đồng/tháng tiền thuê nhà. Còn bà Đàm Thị Thanh Xuân, người có thời gian khá lâu làm Chủ tịch Công đoàn các KCN và chế xuất Đà Nẵng và hiện làm cố vấn Công đoàn cho Công ty TNHH Điện tử Foster, tỏ ra khá bi quan về khả năng xây dựng các khu ký túc xá cho công nhân. Bà cho biết mới đây, thành phố có chủ trương cho các chủ nhà trọ vay ưu đãi 50 triệu đồng để nâng cấp phòng cho công nhân thuê, thế nhưng chỉ có vài người quan tâm đến vấn đề này.

Để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, mới đây UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6269/QĐ-UBND phê duyệt dự án nhà ở công nhân và người lao động tại các KCN tại 3 địa điểm là KCN Hòa Cầm với diện tích 4.848m2, khu tái định cư Hòa Hiệp 4 với 42.874m2 và khu đất nằm trên đường Hòa Thọ-Hòa Nhơn với diện tích 18.811m2. Tổng mức đầu tư cho 3 dự án này là 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 80%, thành phố 20%. Đây quả thật là một tín hiệu vui cho công nhân, thế nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, thời gian để các dự án này trở thành hiện thực quả là câu hỏi rất khó trả lời. Và như vậy, trước mắt công nhân đành phải “ngả lưng” trong những phòng trọ tồi tàn.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: THANH SƠN - DUYÊN ANH - HẰNG VANG
 

;
.
.
.
.
.