.

Khó khăn đời sống công nhân - Bài 2: Tìm đâu “đối tác”

.

Tạo cơ hội cho nữ công nhân (CN) tìm bạn đời và kết hôn trở thành bài toán khó đối với nhiều nhà quản lý và những người làm công tác Công đoàn (CĐ), khi số lượng nữ CN chiếm đến 70% tổng số lao động tại các KCN Đà Nẵng và hầu hết trong độ tuổi kết hôn. Tưởng là chuyện tế nhị, nhưng đây được xem là một vấn đề xã hội mà Nhà nước cần phải quan tâm.

Số lượng nữ luôn chiếm tỷ lệ cao trong các công ty, khiến việc tìm bạn đời của họ trở nên khó khăn.
Số lượng nữ luôn chiếm tỷ lệ cao trong các công ty, khiến việc tìm bạn đời của họ trở nên khó khăn.

Ít cơ hội kết hôn

Trao đổi với chúng tôi, bà Đàm Thị Thanh Xuân, cố vấn công tác CĐ Công ty TNHH Foster, nói ngay: “Vấn đề kết hôn và tạo điều kiện cho CN kết hôn đã được chúng tôi nhiều lần đưa ra trong những cuộc thảo luận hay hội họp với nhiều bên, nhưng chưa có phản hồi tích cực”. Chiếm 98% trong tổng số 15.000 người thuộc “dân số” của Foster, trong khi “cánh mày râu” chỉ vào khoảng 300 người, nữ CN ở đây có rất hiếm cơ hội gặp gỡ và giao lưu để kết hôn, kết bạn. Bà Xuân và các thành viên trong Ban Chấp hành CĐ đã tiến hành khảo sát ở các doanh trại bộ đội quanh vùng để tạo cơ hội cho hai bên giao lưu, tìm hiểu, nhưng kết quả không mấy khả quan. “Đặc thù bên công ty chúng tôi đa số là nữ, bên bộ đội phần đông là nam, hai bên giao lưu sẽ rất phù hợp. Cách đây nhiều năm, khi còn làm ở CĐ các KCN và chế xuất Đà Nẵng, chúng tôi thực hiện nhiều chương trình giao lưu, liên kết tạo môi trường gặp gỡ, kết đôi. Tuy nhiên, lớp sĩ quan “trung trung” hầu hết đã có gia đình, còn bộ đội làm nghĩa vụ chỉ ở địa phương một thời gian ngắn rồi trở về, nên kết hợp hai nguồn này không còn khả thi. Chủ yếu là các bạn trẻ tự tìm hiểu, kết hôn trong nội bộ, nhưng số đó rất ít”.

Nhiều năm làm công tác CĐ, bà Xuân đánh giá: Đây là một vấn đề xã hội mà Nhà nước phải quan tâm.
Cùng quan điểm bà Xuân, nhiều người làm công tác CĐ rất trăn trở với chuyện kết hôn của nữ CN. Ông Thân Lụa, Chủ tịch CĐ Công ty CP Dệt Hòa Khánh cho biết, nhiều CN nữ ở đây kết hôn trễ vào độ tuổi 35-40. “Ở độ tuổi đó, CN nữ rất mong muốn có một mái ấm. Và anh em chúng tôi cũng thật sự rất mừng khi CN đó tìm được tơ duyên”, ông Lụa tâm sự.

Mải mê xoay việc đến “toan về già”

Khảo sát thực tế của chúng tôi tại nhiều khu vực nhà trọ của CN quanh các KCN cho thấy, CN nữ rất khó có cơ hội kết bạn. Bởi hầu hết các khu trọ đều rất ít nam giới và vòng quay công việc từ sáng đến tối, tăng ca, thêm giờ cũng hạn chế thời gian để họ giao lưu, tìm hiểu.

T.A, một CN tuổi ngoài 30, làm việc ở KCN Hòa Khánh tâm sự: Khi còn ở độ tuổi “hăm”, chị mải mê làm việc, tăng ca, thêm giờ, nay giật mình nhìn lại thì tuổi cũng đã lớn. A.T, một CN nữ 25 tuổi, làm việc ở KCN Hòa Cầm cho biết, hằng ngày chị đi làm lúc 6 giờ 30 và trở về vào 17 giờ 30, ăn uống, tắm rửa, giặt giũ xong cũng gần tới giờ đi ngủ. “Chị em mệt mỏi quá nên chỉ muốn ngủ một giấc để sáng mai còn tiếp tục đi làm. Là nữ nên tụi em cũng không nghĩ tới việc tự đi tìm bạn”, CN này nói. Việc tìm bạn qua mạng Internet được xem là rất khó, bởi theo một CN khác cũng làm ở KCN Hòa Cầm, tiệm Internet khá xa khu trọ của CN, mà CN lại không có điều kiện mua máy tính, thành thử việc “chat chit” tưởng chừng đơn giản và phổ biến lại trở nên xa vời với CN. “Tụi em cũng có thể lên mạng bằng điện thoại di động, nhưng về mệt quá, nhiều khi cũng không muốn cầm điện thoại nữa kìa”, một CN khác cho hay.

Theo anh Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch CĐ phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu), một trong những nguyên nhân khiến CN nữ rất ít đi chơi, kể cả trong ngày nghỉ, là vì họ rất sợ các khoản chi phí phát sinh, trong tình hình giá cả luôn biến động mà đồng lương lại khá eo hẹp. “Hạn chế đi chơi, làm tăng ca đã giúp nhiều CN có thêm nguồn thu nhập, nhưng chính vì vậy mà chuyện tình duyên của họ không mấy suôn sẻ. Vì mải mê công việc, họ quên rằng mình đã toan về già“, anh Trung chia sẻ. Mới đây, một công ty từ TP. Hồ Chí Minh đề nghị tài trợ để bà Xuân thực hiện đám cưới tập thể cho 50 cặp vợ chồng CN, bao gồm tất cả các dịch vụ từ trang điểm, trang phục, nhà hàng đến cả nhẫn cưới, nhưng vẫn không thực hiện được. “Như TP. Hồ Chí Minh, họ làm rất dễ, vì CN sống tập trung một khu có thể giao lưu tìm bạn đời, còn ở đây, CN sống tản mác, khó có thể tìm được 50 cặp là CN”, bà Xuân giải thích.

Dù chưa có con số thống kê chính xác về tỉ lệ CN nữ chưa kết hôn, nhưng qua khảo sát nhiều công ty ở các KCN Hòa Khánh, Hòa Cầm, Liên Chiểu..., chúng tôi nhận thấy tỷ lệ này khá cao. Trong lúc đó, những người làm CĐ cũng như làm công tác quản lý hầu như không có giải pháp nào cho vấn đề tưởng chừng rất tế nhị này. Vì vậy, có người đã ví CN nữ của thời nay như phận “gái nông trường” của thời trước. Bà Xuân chia sẻ: “Đời sống CN còn nhiều khó khăn, nhưng nhà ở, thu nhập thì có thể thay đổi được, còn tìm cơ hội kết hôn cho CN nữ là một bài toán quá khó giải”.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: THANH SƠN - DUYÊN ANH - HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.