.
Khó khăn đời sống công nhân

Bài cuối: Chuyện gửi trẻ: Đong đầy ưu tư

.

Có một chỗ gửi trẻ bảo đảm, thuận lợi để công nhân yên tâm với công việc không chỉ là nỗi khát vọng của nhiều lao động tại các KCN, mà ngay cả những doanh nghiệp sử dụng lao động cũng trăn trở không kém. Hiện ở Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác, nhà trẻ cho con công nhân vẫn là niềm mơ ước của người lao động chưa biết đến bao giờ thành hiện thực.

Công nhân vẫn gửi con tạm bợ trong các nhóm trẻ tư nhân.                  Ảnh: DUYÊN ANH
Công nhân vẫn gửi con tạm bợ trong các nhóm trẻ tư nhân. Ảnh: DUYÊN ANH

Nỗi niềm

5 giờ 30, tại Trường mầm non T.N (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), chị Lê Thị Thanh (quê Nghệ An), công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh, dắt con vào lớp mẫu giáo. Chị cho biết: “Đúng 6 giờ em vào ca, nếu không đưa cháu đến trường để kịp giờ vào ca thì “quá tam ba bận”, em bị đuổi việc là cái chắc. Bữa nào cũng nhờ các cô ở trường cho ăn sáng. Thương con lắm, nhưng biết làm sao”. Chị quay mặt đi chỗ khác như muốn giấu đi cái cảm xúc bất chợt dâng trào. Chị Nguyễn Thị Minh Hồng có hai con, đứa lớn học tiểu học, ở với ông bà tại xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam; đứa nhỏ 2 tuổi sống với vợ chồng chị làm công nhân ở KCN Hòa Khánh. Với thời gian làm ca dài (từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối), đôi lần chị suýt bị cho nghỉ việc do không bảo đảm giờ giấc công ty đề ra. Chị Hồng tâm sự: “Tôi có con nhỏ, lại hay đau ốm. Làm quần quật cả tháng thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 6 triệu đồng, ngoài tiền gửi về quê cho bà nội chăm cháu lớn, chi phí cho cháu nhỏ hơn 1 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi đều làm ca nên phó thác luôn việc chăm cháu cho các cô. Lúc nào cũng thấp thỏm mong hết giờ làm”. Riêng vợ chồng anh Hay, chị Liên đều là công nhân ở KCN Hòa Cầm, chọn giải pháp chồng đi ca 1, vợ làm ca 2 để thay nhau giữ con. Lúc giao ca thì chở con lên trước cổng công ty để giao con, ngày mưa cũng như ngày nắng.

Tình cảnh ngặt nghèo của công nhân người ngoại tỉnh, nhất là các chị có con nhỏ khó diễn tả hết bằng lời. Đa số các chị chọn cách mỗi tháng thêm vài ba trăm ngàn bồi dưỡng cho các cô để chăm con hộ khi các chị làm ca chưa kịp về đón. Cô Lệ Thu, một bảo mẫu tại Trường mầm non tư thục N.C gần KCN Hòa Khánh nói: “Em chưa lập gia đình và còn phải đi thuê trọ. Tuy vậy, sau mỗi buổi từ trường về, các chị lại nhờ đưa giùm các cháu về nhà tắm giặt, chờ ba mẹ hết ca tới đón. Thương các cháu ít được cha mẹ chăm sóc nên em nhận, chứ khoản thù lao không đáng kể”. Cô Thu chia sẻ, cả năm có khi giữa lãnh đạo nhà trường và các phụ huynh rất ít gặp nhau, do hiếm khi phụ huynh đi họp hay tham gia các hoạt động của con ở trường. Chuyện đóng học phí hằng tháng ở trường tư cũng gặp khó khăn. Các cô giáo ở cơ sở Mầm non H.M (quận Cẩm Lệ) cho biết có công nhân nợ trường tới 2 tháng, nể hoàn cảnh éo le, trường cũng du di. Có trường hợp phụ huynh xin đóng mỗi tháng 2 lần.

Bao giờ hết lo chuyện gửi trẻ?

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, do nhiều lý do nên vấn đề nhà ở, hay trường giữ trẻ cho con công nhân chưa được đầu tư. Một số doanh nghiệp (DN) mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, họ cho biết do chưa có điều kiện, việc chăm lo dạy dỗ con công nhân, công nhân phải tự sắp xếp. Khó khăn chồng chất khó khăn, song âu lo nhất là con cái của người lao động không được chăm sóc đến nơi đến chốn. Anh Đ.G, giám đốc một công ty cung cấp nhân lực làm dịch vụ dọn vệ sinh cho các DN ở KCN, cho biết ở công ty anh chủ yếu là phụ nữ đã có gia đình, nhiều chị quê Thanh Hóa, Nghệ An vào Đà Nẵng lập nghiệp. Khi có con nhỏ, các chị thường đi trễ, khi thì tự ý nghỉ làm không xin phép, buộc công ty phải cho nghỉ việc. Biết làm như vậy là “tội”, nhưng nếu không tuân thủ nguyên tắc thì công ty chỉ còn cách là đền tiền vi phạm hợp đồng với đối tác.

Còn lãnh đạo Công ty CP Dệt Hòa Khánh cho biết đơn vị cũng rất thấu hiểu nỗi khổ khi công nhân đang làm việc nhưng đầu óc cứ lo lắng về chuyện con cái. Do đặc thù sản xuất phải sử dụng nhân công nữ chiếm tới 70%, trong đó số đã lập gia đình và có con 80%, công ty luôn quan tâm đến điều này. Chính vì vậy, từ tháng 2-2012, Công ty Dệt Hòa Khánh đã trợ cấp 100-150 ngàn đồng/tháng, hỗ trợ gửi con nhà trẻ cho những chị có con nhỏ dưới 2 tuổi. Ông Thân Lụa, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt Hòa Khánh nhìn nhận: “Tìm nơi gửi trẻ an toàn và bảo đảm giờ giấc công nhân là vấn đề nan giải. Tùy từng thời điểm, lúc việc nhiều lúc việc ít mà người lao động và DN chia sẻ với nhau. Ở công ty đã có trường hợp công nhân nữ gắn bó nhiều năm nhưng vì không gửi được con cái mà xin nghỉ không lương. Công ty đã xem xét và tạo điều kiện thuận lợi để khi họ sắp xếp được sẽ quay trở lại làm việc”. Công ty CP Dệt Hòa Khánh đã có kiến nghị về việc thành phố đầu tư xây dựng khu nhà trẻ dành cho con công nhân gần KCN, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào. Còn tại Công ty Kad Industrial S.A Việt Nam (KCN Hòa Khánh mở rộng) trước đây có xảy ra đình công của người lao động vì giữa hai bên chưa thỏa thuận được điều kiện làm việc. Song thời gian sau này, công ty có những chuyển biến, nhất là việc từng đề xuất thành phố xin đầu tư xây dựng khu nuôi giữ trẻ cho con công nhân. Ông Hồ Sĩ Tân, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Công ty có gần 700 lao động thì nữ đã 610 người. Công nhân được làm việc trong môi trường thuận lợi, con cái được gần cha mẹ sẽ giúp họ yên tâm, tạo hiệu quả trong sản xuất. Chúng tôi rất muốn người lao động gắn bó với mình nên có chủ trương xây trường lớp cho con em họ trong khuôn viên 20.000m2, nhưng mới chỉ sử dụng 9.000m2, đề xuất đó từ năm 2011 nhưng không được chấp nhận”.

Nhà ở, trường mẫu giáo gửi con cho công nhân là những vấn đề không mới, nhưng luôn tạo ra sự lo lắng trong đời sống người lao động cũng như các chủ doanh nghiệp. Ước mơ được an tâm làm việc lâu dài mà không bận tâm chuyện con nhỏ luôn đau đáu trong mỗi công nhân. Mong rằng trong thời gian sớm nhất, chính quyền và doanh nghiệp cùng có những suy tính để tìm ra lời giải cho ước vọng trên.

Bài và ảnh: THANH SƠN - DUYÊN ANH - HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.