Theo Nghị quyết 24/2012 của Quốc hội, từ ngày 1-7-2013 chỉ xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với người bán dâm. Số đối tượng bán dâm đang được quản lý, giáo dục, chữa bệnh tại cơ sở giáo dục các địa phương sẽ được trả tự do. Điều này liệu có làm gia tăng người bán dâm và gây khó khăn cho công tác quản lý?
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hùng (ảnh), Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng.
* Đà Nẵng hiện có bao nhiêu người bán dâm trong hồ sơ quản lý? Người bán dâm nếu đang bị các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS được trở về cộng đồng liệu có trở thành mối nguy cho xã hội?
- Tính đến ngày 25-9-2012, trên địa bàn thành phố chỉ có 25 người hoạt động mại dâm có hồ sơ quản lý tại địa phương. Tuy nhiên, cũng như các đô thị khác, số người ngoại tỉnh vào thành phố Đà Nẵng hoạt động mại dâm tương đối đông, phần lớn trong số này đang làm việc tại hơn 600 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, với hơn 2.000 nhân viên nữ đang làm việc ở khu vực này. Đà Nẵng chưa phát hiện trường hợp người bán dâm bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, việc đưa người bán dâm nếu đang bị các bệnh truyền nhiễm trở về cộng đồng khi còn điều trị có thể sẽ ảnh hưởng đến xã hội nếu không được theo dõi, kiểm soát tốt.
* Việc chỉ xử phạt hành chính với người bán dâm khi bị bắt quả tang liệu có khả thi?
- Việc chỉ phạt hành chính tất nhiên sẽ khiến người bán dâm hoạt động lộ liễu và phức tạp hơn. Hơn nữa, mức phạt thấp nên có bị phạt cũng không ai sợ, mà cũng không dễ gì phạt được bởi nhiều đối tượng chưa chắc có tiền hoặc chịu nộp phạt. Ngoài ra, cũng rất khó truy ra gốc tích để đòi cho được tiền phạt. Nếu không phạt, bắt rồi thả thì cũng như không, chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”.
* Có ý kiến cho rằng nên hợp pháp hóa để dễ kiểm soát, với cương vị nhà quản lý, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Nhìn ra thế giới, 30 năm qua mại dâm từng được cho là hợp pháp ở Thụy Điển, nhưng năm 1998 đã bị xét lại, xem là bất hợp pháp, sau khi nước này xét thấy hợp pháp hóa mại dâm càng khiến nó lan tràn ngoài tầm kiểm soát, trong khi tổn hại về giá trị đạo đức xã hội lại quá lớn. Năm 1988, Hàn Quốc cũng có động thái tương tự nhằm bảo vệ hình ảnh quốc gia khỏi bị hoen ố vì mại dâm. Năm 2009, đến lượt Na Uy, Iceland và tiểu bang Rhode Island (Mỹ) cũng cấm mại dâm trở lại sau nhiều năm cho tồn tại hợp pháp. Nếu giai đoạn 1990-2003 có tới 12 nước thực hiện hợp pháp hóa mại dâm, thì từ năm 2003 tới nay, không có quốc gia nào làm theo nữa bởi bài học thực tế từ các nước đi trước đã cho thấy tác hại của phương thức này. Có cách nghĩ sai lầm rằng, mại dâm là một hoạt động lâu đời và xã hội nào cũng tồn tại nên không cần ngăn chặn mà phải chấp nhận nó như một “nghề” bình thường.
Xã hội luôn tồn tại 2 mặt tốt - xấu, một xã hội càng tiến bộ thì càng phải quyết tâm đấu tranh với những mặt xấu. Việc thỏa hiệp với tệ nạn xã hội dẫn đến sự lụn bại của đạo đức và kỷ cương xã hội. Các trường hợp mại dâm bị bắt quả tang nhưng chỉ bị xử phạt tiền sẽ không ngăn chặn và đẩy lùi được tệ nạn này mà trái lại có thể làm cho mại dâm sinh sôi, nảy nở. Khi đó, các bệnh xã hội, nhất là HIV/AIDS lây nhiễm qua đường tình dục có cơ hội bùng phát. Thực tế này đòi hỏi cần phải có chế tài mới nghiêm khắc tương xứng. Theo tôi, nên tăng mức phạt, đồng thời công khai danh tính đối tượng mua dâm để nâng cao tính răn đe những đối tượng này. Đây là hoạt động “có cầu có cung” nên phải xử lý nghiêm từ cả hai phía là mua dâm và bán dâm.
* Vậy Đà Nẵng cần làm gì để giải quyết vấn đề này, nhất là để xây dựng hình ảnh đẹp của một thành phố du lịch?
- Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội; nhân rộng các mô hình “xã, phường, tộc họ, tổ dân phố không có tệ nạn xã hội”, “Chi hội an toàn, lành mạnh”... Từng ngành, đoàn thể, địa phương chủ động thực hiện lồng ghép chương trình phòng, chống ma túy, mại dâm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em với các chương trình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm... Qua đó khai thác, tận dụng mọi nguồn lực để đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội và hỗ trợ tạo điều kiện cho người sau chữa bệnh được vay vốn, tạo việc làm, tham gia các hoạt động xã hội và phòng ngừa các nguy cơ tái phạm. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm đối tượng tham gia mại dâm. Thực hiện các chương trình giáo dục về giới trong các trường học; đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, thanh-thiếu niên trong các trường ĐH, CĐ, TCCN, dạy nghề và phổ thông. Việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm phải thường xuyên và xử lý nghiêm các vi phạm về văn hóa phẩm, hành vi dâm ô, kích dục. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, hướng dẫn tình dục an toàn, duy trì biện pháp cấp phát bao cao su miễn phí.
* Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG TRÀ thực hiện