.

Khoanh vùng lấy phiếu tín nhiệm 49 nhân sự cấp cao

.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt để tránh dàn trải, hình thức. Mức độ tín nhiệm cũng chỉ nên chia thành hai mức là tín nhiệm hoặc không.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, việc lấy phiếu tín nhiệm cần thiết
Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, việc lấy phiếu tín nhiệm cần thiết "như cơm phải ăn, nước phải uống, áo phải mặc". Ảnh: Hoàng Hà.

Sáng 10-11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Góp ý cho dự thảo, hầu hết đại biểu đều chung quan điểm chỉ nên lấy phiếu đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Theo đó, phạm vi lấy phiếu gồm 49 người gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

"Chỉ nên thí điểm lấy phiếu ở những chức danh chủ chốt. Mở rộng diện lấy phiếu đến Phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc, Phó chủ nhiệm, ủy viên các ủy ban của Quốc hội là quá rộng, quá dàn trải", đại biểu Đặng Kim Chi nói.

Ở cấp Hội đồng nhân dân, việc lấy phiếu cũng tương tự, tập trung vào những chức danh chủ chốt. Nữ đại biểu này cũng đề xuất thay đổi thang lựa chọn khi lấy phiếu tín nhiệm còn hai mức tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp hoặc không tín nhiệm (dự thảo gồm 4 mức tín nhiệm cao, trung bình, thấp và chưa có ý kiến). "Là đại biểu thì phải có ý kiến rõ ràng, nếu bảo chưa có ý kiến thì không biết bao giờ mới có ý kiến. Còn mức cao và trung bình không có cơ sở để phân định. Hơn nữa cao hay trung bình vẫn được tiếp tục công việc đang làm", bà Chi nói.

Nhất trí với ý kiến này, đại biểu Trần Minh Thống cho rằng, trong trường hợp cần thiết thì có thể mở rộng tới người giữ cấp phó. Tổng số thuộc diện này khoảng 40 người. "Không nên lấy phiếu với ủy viên, thành viên các ủy ban của Quốc hội vì họ đều kiêm nhiệm. Đánh giá những người này nên kết hợp với tự phê bình, đánh giá hàng năm ở địa phương thì chặt chẽ hơn", đại biểu Thống góp ý thêm.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng thời điểm lấy phiếu tín nhiệm nên lùi lại một kỳ họp (tức là vào kỳ thứ hai năm thứ hai thay vì kỳ họp đầu tiên của năm thứ hai nhiệm kỳ Quốc hội) để có thời gian đánh giá kết quả công việc của các chức danh..

Góp ý cho dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Khá khẳng định, lấy phiếu tín nhiệm cần thiết "như cơm phải ăn, nước phải uống, áo phải mặc". Cũng chính vì sự cần thiết này nên phải "tránh ăn uống quá nhiều hay qua loa, tránh mặc quá rộng hay quá chật". Việc nào cũng ngang sức ngang tầm, lấy phiếu, bỏ phiếu phải đúng đối tượng, đúng quy trình.

"Nếu mặc chiếc áo quá rộng thì nên trả lại, đó là văn hóa từ chức", bà Khá nói.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm "là chuyện lớn của Đảng, Nhà nước". Mục đích của việc này nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc, HĐND; qua đó giúp cho người được lấy phiếu, bỏ phiếu thấy được trách nhiệm để phấn đấu, rèn luyện và nâng cao hiệu quả công tác.

Nghị quyết này sẽ được thông qua vào ngày 21-11.

VnExpress

;
.
.
.
.
.