.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Cần siết chặt điều kiện nhập cư vào Hà Nội

.

Giao công tác hòa giải cơ sở cho Mặt trận

Sáng 5-11, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Thủ đô. Các đại biểu (ĐB) Hà Nội đều mong muốn Quốc hội thông qua Luật Thủ đô tại kỳ họp này.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ.  Ảnh: HỮU HOA
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ. Ảnh: HỮU HOA

Tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô, các ĐB nhất trí rằng, với vị trí, vai trò của thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội và nhân dân cả nước. Để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển thủ đô, dự án Luật cần quy định cho thủ đô một số cơ chế, chính sách phù hợp.

ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) nhấn mạnh: Với vị thế và vai trò đặc biệt, chính quyền và nhân dân thủ đô không những thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của riêng mình mà còn có trách nhiệm rất quan trọng và vinh dự thay mặt cả nước bảo đảm điều kiện và môi trường hoạt động tốt, đáp ứng tiêu chuẩn cao về cơ sở hạ tầng, quản lý tổ chức đô thị, văn minh đô thị, xứng đáng ngang tầm với những thủ đô tiên tiến, văn minh hiện đại khác trên thế giới.

ĐB Thi cũng đồng ý “phải có nhiều biện pháp kinh tế-xã hội để tổ chức dân cư hợp lý, nhưng trong hoàn cảnh như hiện nay thì cần phải quy định chặt chẽ điều kiện nhập cư vào các quận nội thành. Nhất trí với dự thảo Luật quy định người có việc làm ổn định, có 3 năm tạm trú tại một nơi, có nhà ở hoặc nhà thuê của tổ chức kinh doanh nhà và tối thiểu diện tích mặt sàn phải 5m2/người. Thủ đô cũng cần có cơ chế tài chính riêng”.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhiều ĐB khác đồng tình rằng, quy định cho thủ đô một số cơ chế đặc thù và những chính sách phù hợp nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cũng nhất trí với quy định siết chặt các điều kiện nhập cư vào nội thành. “Việc quy định này không trái với Luật Cư trú, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”, ông Chung nói. Theo phân tích của ĐB này, số dân tạm trú trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gần 1 triệu người. Việc tăng dân số quá nhanh sẽ gây khó khăn cho chính quyền trong việc đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện, giao thông... Tình trạng quá tải về dân số cũng gây quá tải cho chính cuộc sống của người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của chính người dân. Vì vậy, việc siết nhập cư nhằm bảo đảm chất lượng sống và công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ hơn về phân loại đối tượng, về quy định nhà ở thuê. Theo ĐB, đối tượng tạm cư, người lao động thời vụ chiếm số lượng khá lớn và đã đóng góp tích cực cho đời sống và sự phát triển của thủ đô, nhưng cũng mang đến những vấn đề không nhỏ trong quản lý trật tự, vệ sinh, môi trường, văn minh đô thị nếu không được quản lý tốt. ĐB Thành nhấn mạnh: Thủ đô phải được xây dựng trở thành một trung tâm kinh tế chứ không phải là trung tâm sinh kế.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Gia Lai, Vĩnh Phúc và Hưng Yên.

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các ĐB tập trung thảo luận những vấn đề cơ bản của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân như phạm vi sửa đổi luật, việc giảm trừ gia cảnh và thời điểm có hiệu lực của luật; đề nghị thảo luận những vấn đề lớn của dự án Luật Hòa giải cơ sở như phạm vi hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, Tổ hòa giải và Ban hòa giải ở cấp xã, việc hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện, kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở…

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải ở cơ sở. Theo ĐB, thực tiễn cho thấy nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ đã được hòa giải thông qua nhiều hình thức thích hợp của nhân dân ở cơ sở như hoạt động của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể xã hội, người đứng đầu dòng họ, già làng, trưởng bản. Do đó, ĐB cho rằng, dự thảo luật thừa nhận giá trị của hòa giải thông qua các hình thức thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở là một hướng đi đúng đắn, tạo ra sự phong phú trong các hình thức hòa giải, phát huy được tính linh hoạt trong áp dụng pháp luật. Để tạo thuận lợi, khuyến khích người dân thỏa thuận, tự nguyện giải quyết tranh chấp, đồng thời quán triệt nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm, ĐB đề nghị nên thiết kế Điều 3 theo hướng chỉ quy định những vụ việc không được phép hòa giải ở cơ sở, không nên quy định theo kiểu liệt kê như dự thảo, dễ dẫn đến sự trùng lắp, chồng chéo, vừa thừa nhưng lại vừa thiếu.

ĐB Thân Đức Nam đề nghị hòa giải viên phải là người do nhân dân ở cơ sở giới thiệu và bầu ra. Có như vậy mới bảo đảm tính dân chủ, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp lựa chọn hòa giải viên thật sự có uy tín.

Nhiều ĐBQH tán thành với cách đặt vấn đề của Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, giao MTTQ làm công tác hòa giải cơ sở là phù hợp nhất, vì thực tế cho thấy, những người có uy tín ở cơ sở đều làm công tác Mặt trận. Theo mô hình này, cán bộ Mặt trận là Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở, còn các hòa giải viên là thành viên Mặt trận như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội LHTN…, cần thiết thì mời thêm Hội Người cao tuổi cùng tham gia. ĐB đề nghị chỉ hỗ trợ kinh phí cho việc tập huấn nghiệp vụ, khen thưởng đối với các hòa giải viên có thành tích xuất sắc.

Về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Thiếu tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, khi xác định mức giảm trừ gia cảnh để tính toán thu nhập chịu thuế thì không nên lấy việc thu ngân sách để làm mục tiêu. Nộp thuế để đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước có thể coi là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, việc tận thu sức dân vào thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, người lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút, giá cả tăng cao từng ngày sẽ khiến nhân dân thêm mệt mỏi, dư luận xã hội khó đồng tình.

ĐB Lê Văn Hoàng tán thành việc quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/năm. Theo ĐB, quy định như vậy vừa bảo đảm lợi ích người dân, vừa phù hợp với dự báo tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. ĐB cho rằng, luật quy định cơ chế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% theo hướng cho phép Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ tạo sự linh hoạt trong điều hành chính sách.

TTXVN - HỮU HOA

;
.
.
.
.
.