Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình tội phạm và công tác phòng chống tham nhũng sáng 1-11, đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thắc mắc, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Nhà nước có thừa quyết tâm, quy định luật lệ không thiếu, Chính phủ có nhiều giải pháp nhưng tham nhũng vẫn không bị đẩy lùi. Ông Thuyền lo mức độ tham nhũng hiện đã lấn át cả những người tích cực thì đó là một nguy cơ thật sự lớn.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: TTXVN |
Cần có lực lượng chống tham nhũng độc lập
Về việc ít phát hiện tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đặt câu hỏi, có phải do cơ chế chưa cho phép cơ quan điều tra tiếp cận đối tượng tham nhũng. Hoặc ngược lại, có tiêu cực nằm trong chính lực lượng điều tra. Đại biểu đề nghị “xây dựng lực lượng điều tra chống tham nhũng độc lập với Công an để chuyên điều tra những “ông lớn” vì trước nay mới chỉ bắt được những vụ kiểu “con mèo ăn miếng mỡ”.
ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đặt vấn đề, tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiện đã đến mức “nghịch lý”. Trước đây khi xây dựng các tập đoàn, tổng công ty thì Nhà nước nắm vai trò quản lý, điều hành các tập đoàn này. Ngược lại, hiện nay dường như chính các tập đoàn là người điều hành Nhà nước chạy theo các quyền lợi của mình. “Như vậy, chống tham nhũng có đề ra giải pháp nào cũng chỉ là hình thức”, bà Linh đề xuất, đồng thời nói rằng, sắp tới sửa Luật Phòng chống tham nhũng, mở rộng diện đối tượng kê khai tài sản thì cũng phải làm sao cho thực chất.
Theo ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế), chưa bao giờ từ “tham nhũng” được nhắc đến với tần số xuất hiện nhiều như hiện nay. Cũng giống như ĐB Thuyền, ông Nhã dẫn con số hơn 150 vụ án với 300 bị cáo được đưa ra xét xử về các tội danh liên quan đến tham nhũng thời gian vừa qua, và đặt nghi vấn, sao chỉ xử được ngần ấy vụ và toàn án nhẹ thì phải chăng thực tế bị bôi đen hơn.
ĐB Trần Đình Nhã kêu gọi phải tuyên chiến với tham nhũng, vì theo ông, “cuộc chiến” chống tham nhũng như mọi người vẫn nói chưa xảy ra mà nếu xảy ra rồi thì cũng chưa quyết liệt vì “cả hai bên đều chưa có thương vong gì nhiều”. Ông Thuyền cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cả cách đánh và người đánh tham nhũng.
Xử bắn để giảm căng thẳng vì chờ... thuốc độc
Cũng trong sáng 1-11, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án..., nhiều ĐBQH đã quan tâm nhiều đến việc thiếu thuốc độc để thi hành án tử hình, dẫn tới một lượng lớn án tử hình đang tồn đọng.
ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, cho rằng theo báo cáo của ngành Kiểm sát, đến nay còn 508 người bị kết án tử hình, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thi hành được, trong đó có 3 người chết do bệnh tật, 3 người tự sát, thậm chí có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng mà nguyên nhân do chưa mua được thuốc độc. Báo cáo của ngành Kiểm sát đã thừa nhận vấn đề này, khẳng định đã làm tăng áp lực nặng nề lên cả 2 phía: phía cơ quan giam giữ và phía tử tội. “Tôi đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm khi trình Quốc hội các dự án luật, phải có đủ điều kiện thực hiện thì mới trình. Đề nghị Quốc hội có nghị quyết để quyết định việc khi chưa có thuốc độc thì cho xử bắn, tránh tâm lý căng thẳng cho cả người bị kết án và người thi hành án”, ĐB Huỳnh Nghĩa nói. ĐB cũng đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công an và các ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, bằng mọi giá phải bào chế được loại thuốc này trong năm 2013, đồng thời phải có biện pháp quản lý tử tội chặt chẽ, tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.
ĐB Huỳnh Nghĩa viện dẫn báo cáo của ngành Kiểm sát, số người bị kết án tù giam nhưng bỏ trốn thi hành án từ nhiều năm trước đến nay là 1.889 người, theo báo cáo năm 2011 thì con số này là 1.947 người, điều này có nghĩa qua một năm chỉ truy bắt được 58 người, bằng 2,9% tổng số người phải truy bắt. Như vậy, với con số còn lại cùng với tốc độ bình quân truy bắt như trên thì phải mất khoảng vài chục năm nữa mới truy bắt hết.
Từ thực tế đó, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị Chính phủ cần kiên quyết hơn trong việc chỉ đạo các ngành và địa phương khẩn trương rà soát, tập trung lực lượng truy bắt những đối tượng trên trong năm 2013, tránh tình trạng người đã bị kết án nhưng vẫn sống nhởn nhơ ngoài xã hội, làm cho pháp luật không nghiêm minh, lòng dân không yên.
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, báo cáo của ngành Tòa án cho thấy năm 2012, toàn ngành đã xét xử 1.370/1.654 vụ án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; trong đó Tòa án tối cao xét xử 783/1.032 vụ án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao; thời hạn mở phiên tòa là 4 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án. Nhưng thực tế hiện nay, Chánh án TAND tối cao ủy quyền cho các Phó Chánh án ký kháng nghị này. Một số vụ án kháng nghị đã nhiều năm nhưng chưa được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử, gây bức xúc cho các đương sự. Mặt khác, có vụ án xử giám đốc thẩm xong thì đương sự khiếu nại gay gắt, kéo dài.
ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, một số bản án giám đốc thẩm của TAND tối cao ban hành chưa có tính thuyết phục, thậm chí nghiên cứu rất sơ sài. Vì thế, có bản án phải xử đi xử lại nhiều lần, làm mất lòng tin của nhân dân. ĐB đề nghị Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao cần tập trung kiểm tra, siết chặt việc kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm tính chuẩn mực của bản án sau khi ban hành; trong đó ưu tiên số một là xây dựng Đề án cơ chế giải quyết đơn thư theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mà Chánh án đã hứa trước Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII. ĐB đề nghị Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về thẩm quyền và chất lượng kháng nghị, xét xử, ban hành bản án giám đốc thẩm, tái thẩm, đặc biệt là án dân sự và án hành chính.
Đề nghị hạ tuổi thành niên từ 18 xuống 16 Một nội dung khác nổi lên trong phiên thảo luận sáng 1-11 là tình trạng tội phạm vị thành niên với nhiều quan điểm trái chiều từ các đại biểu. ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) khái quát thực trạng, hầu hết các vụ phạm pháp hình sự do vị thành niên gây ra đều có dấu hiệu cấu thành tội phạm (cả trong những nhóm tội nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, cướp tài sản… ), hơn 65% vụ có sử dụng vũ khí nóng, hung khí. Theo ĐB Ngũ, tình trạng nghiêm trọng của tội phạm trong nhóm vị thành niên đang thách thức lương tri, trách nhiệm của người lớn. Nguyên nhân của tình trạng trên do hình phạt quy định chưa tương xứng, tạo điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội. Nhiều ý kiến bức xúc cũng đã đặt vấn đề cần áp dụng cả hình phạt tử hình cho người chưa thành niên. ĐB Ngũ cho rằng, cần phát huy tác dụng của hình phạt và biện pháp cưỡng chế mạnh nhưng không nên sửa luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt vì đi ngược lại xu hướng quốc tế. Ông Ngũ đề xuất xử lý theo hướng điều chỉnh, hạ thấp hơn quy định về tuổi thành niên, từ mức 18 tuổi xuống 16 tuổi. |
B.T - PHẠM HỮU HOA