.
KỶ NIỆM 37 NĂM QUỐC KHÁNH CHDCND LÀO (2-12)

Thắt chặt quan hệ Đà Nẵng - Nam Lào

.

Chuyến thăm, làm việc của Đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tại 5 tỉnh Nam Lào mới đây, bằng việc ký kết thông qua 5 biên bản ghi nhớ đẩy mạnh hợp tác giữa Đà Nẵng với các tỉnh Savannakhet, Salavan, Champasak, Sê Kông và Attapư giai đoạn 2013-2017 có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng tầm mối quan hệ tin cậy giữa hai bên, thắt chặt mối quan hệ đặc biệt, thủy chung Việt Nam-Lào trong thời gian đến.

Điều đó không những khẳng định chắc chắn mối quan hệ truyền thống gắn bó chặt chẽ rất tốt đẹp giữa hai dân tộc trong suốt 50 năm quan hệ hữu nghị mà còn mở ra những bước phát triển lên một tầm cao mới đối với những địa phương nhiều năm trước đây đã duy trì và đẩy mạnh quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau như Đà Nẵng với các tỉnh Nam Lào.

Đà Nẵng và Attapư ký biên bản hợp tác giai đoạn 2013-2017.
Đà Nẵng và Attapư ký biên bản hợp tác giai đoạn 2013-2017.

Trong các buổi hội đàm song phương, có 3 nội dung quan trọng được lãnh đạo thành phố và các tỉnh Nam Lào thống nhất khẳng định. Đó chính là nhìn lại thành quả đáng tự hào và rất quan trọng trong việc hợp tác, hỗ trợ, tạo các điều kiện tốt nhất để các địa phương tiếp tục duy trì các chuyến thăm và trao đổi đoàn các cấp nhằm thắt chặt quan hệ keo sơn gắn bó, thể hiện sự tin cậy, tình đồng chí, anh em ruột thịt mà nhiều năm qua đã dày công vun đắp. Thứ hai, kết quả hợp tác thể hiện bằng những công trình, dự án cụ thể trong hai lĩnh vực then chốt mà các địa phương Nam Lào đang rất cần được đầu tư là giáo dục-đào tạo và phát triển nông nghiệp được Đà Nẵng hỗ trợ tích cực trong giai đoạn 2007-2012. Qua đó đã góp phần quan trọng đào tạo nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn, cải thiện, nâng cao các điều kiện dạy và học cho học sinh các cấp của các tỉnh Nam Lào; tạo các hướng mở trong phát triển nông nghiệp bằng việc hỗ trợ con giống và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi theo mô hình hiện đại, từ đó cung cấp giống để người dân tổ chức chăn nuôi đại trà, nâng cao thu nhập kinh tế. Chỉ riêng với tỉnh Savannakhet, một trong những địa phương lớn, có vị trí quan trọng của vùng Nam Lào, trong thời gian qua đã có trên 160 lượt cán bộ, sinh viên được cử sang Việt Nam học tập. Trong đó, hầu hết đến học tại các trường đại học lớn của Đà Nẵng bằng những suất học bổng toàn phần do thành phố Đà Nẵng hỗ trợ hoặc theo hình thức trao đổi theo những thỏa thuận giữa hai bên. Số cán bộ và sinh viên này sau khi ra trường, đang nắm giữ các vị trí điều hành kinh tế-xã hội các cấp của tỉnh Savannakhet. Lãnh đạo 5 tỉnh Nam Lào luôn ghi nhận và trân trọng những hỗ trợ chí tình của Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Ngược lại, cam kết của 5 tỉnh Nam Lào đó là không chỉ ủng hộ Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền thiêng liêng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các chủ trương phát triển kinh tế-xã hội mang tính đột phá của Đà Nẵng mà sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của địa phương mình nhằm tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có tiềm lực của Đà Nẵng xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Nam Lào ở các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, thương mại, dịch vụ, du lịch, lâm nghiệp, khai khoáng... một cách hiệu quả nhất. Thứ ba, các địa phương Nam Lào tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để nhanh chóng khai thông, tháo gỡ những trở ngại nhằm phát huy lợi thế lớn và nhiều tiềm năng của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây mà Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế trọng yếu này. Khi hội đủ các điều kiện tốt về giao thông, thuế quan, hạ tầng đầu tư trong các lĩnh vực thì việc đẩy mạnh trao đổi, hợp tác giao thương cùng có lợi đối với tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.