.

Lành mạnh hóa thị trường bất động sản

.

(ĐNĐT) - Ngày 19-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

ĐB
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận tại hội trường.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị cần xem việc lành mạnh hóa và thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản là một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai.

Theo ĐB, thị trường bất động sản là một trong năm loại thị trường mà nhiều văn kiện của Đảng yêu cầu phải hoàn thiện và phát triển đồng bộ trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nền tảng của thị trường bất động sản là đất. Pháp luật về đất đai là khung pháp lý có ý nghĩa quyết định việc phát triển thị trường bất động sản.

"Sự phát triển méo mó của thị trường bất động sản hiện nay, tình trạng đầu cơ đất quá nhiều, tình trạng đẩy giá đất lên cao vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế và sức mua của người dân, tình trạng khiếu kiện về đất đai vừa gây bức xúc, vừa làm ngưng trệ nhiều dự án đầu tư bất động sản… đều có nguyên nhân từ sự bất cập trong chế định và thực thi pháp luật đất đai hiện hành", ông Thân Đức Nam nói.

Mặt khác, theo ĐB, Luật Đất đai là khung pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị mới, chỉnh trang đô thị cũ, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị, mà hiện nay đang còn nhiều vấn đề bức xúc. Tuy trong dự thảo luật có nhiều điều khoản quy định việc điều chỉnh thị trường bất động sản, nhưng chưa thể hiện được sự đồng bộ, mang tính hệ thống thúc đẩy quá trình lành mạnh hóa và phát triển thị trường bất động sản ở nước ta trong giai đoạn mới.

Thảo luận về cơ chế thu hồi đất, ĐB Thân Đức Nam đề nghị cần đa dạng hóa các hình thức giao đất, thu hồi đất phù hợp với đặc điểm từng loại đất. ĐB cho rằng, cơ chế thu hồi đất tại Điều 17 chỉ nên áp dụng trong hai trường hợp: do vi phạm Luật Đất đai và do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Còn đối với trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội thì nên áp dụng cơ chế nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất đúng thẩm quyền của nhà nước như Hiến pháp đã quy định và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo ĐB, trên thực tế, nhà nước thu hồi nhưng phải bồi thường theo giá thị trường, thực chất là mua lại quyền sử dụng của người đang sử dụng đất theo giá thị trường. Nhưng nhà nước lại áp đặt giá cả khi bồi thường, thì tự nó đã mâu thuẫn với khái niệm thị trường. Vì vậy, nếu nhà nước sử dụng quyền trưng mua thì chính nhà nước có quyền định giá trưng mua với quyền hạn mà Hiến pháp quy định.

Đề xuất này được đại biểu đưa ra dựa trên phân tích tình hình thực tế: "Nhà nước thu hồi nhưng phải bồi thường theo giá thị trường, thực chất là mua lại quyền sử dụng của người đang sử dụng đất theo giá thị trường. Nhưng Nhà nước lại áp đặt giá cả khi bồi thường, tự nó đã mâu thuẫn với khái niệm thị trường. Nhưng nếu Nhà nước sử dụng quyền trưng mua, chính nhà nước có quyền định giá trưng mua với quyền hạn của Nhà nước mà Hiến pháp cho phép".

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần xem lại các quy định về cơ chế thu hồi đất. Thực tế những năm vừa qua vì mục đích phát triển kinh tế đã thu hồi nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân gôn… Tuy nhiên có một số dự án lại để hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người dân không có đất để canh tác, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân và là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện.

ĐB Trần Ngọc Vinh phân tích do đất đai cũng là một tài sản, hàng hóa nên theo quy định của Hiến pháp không thể dùng biện pháp thu hồi mà chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật sự cần thiết.

Sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận. ĐB Trần Ngọc Vinh cho rằng đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng. Dự thảo Luật cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo đại biểu, những quy định trong dự thảo luật về vấn đề này vẫn chỉ là những quy định chung chung, chưa sát thực tế, vì điều quan trọng mà người dân có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ sẽ ra sao khi đất nhà bị thu hồi, dự thảo Luật lại chưa tính đến. Ban soạn thảo cần nghiên cứu và tính đến vấn đề này. Đại biểu đề nghị cần nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất; nghiên cứu lập quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất...

Trên cơ sở tán thành với các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong dự thảo Luật, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng điều người dân quan tâm nhất sau khi thu hồi đất đó là có công ăn việc làm ổn định. Đại biểu đánh giá, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm trong việc thực hiện vấn đề này, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề lo lắng băn khoăn nhất của người dân.

Đại biểu đề xuất bổ sung đối với những dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là các dự án khai thác khoáng sản cần đưa ra quy định chia sẻ lợi ích cho cộng đồng để phục hồi kinh tế lâu dài cho người dân. Theo đại biểu, cần quy định yêu cầu các tổ chức đó bắt buộc phải thành lập bộ phận quan hệ cộng đồng để nghiên cứu phát triển ngành nghề thích hợp giúp cho người dân vùng dự án trong việc tạo việc làm. Bộ phận này sẽ tồn tại suốt đời nếu như là dự án khai thác khoáng sản; dự án phát triển kinh tế khác, Nhà nước quy định tùy theo tình hình cụ thể.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung như xử lý đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ...

Hữu Hoa - TTXVN

;
.
.
.
.
.