.

Lộn xộn gạch lát vỉa hè

.

Nhiều tuyến đường được thành phố đầu tư hàng trăm triệu đồng cho việc lát gạch vỉa hè, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bị xuống cấp, nham nhở.

Gạch lát vỉa hè mới bị cạy trộm.
Gạch lát vỉa hè mới bị cạy trộm.

Vỉa hè “bị thương”

Khảo sát trên một số tuyến đường, vỉa hè làm trong khoảng vài năm qua đã có dấu hiệu hư hỏng, xỉn màu, thậm chí nhiều nơi gạch bị bong tróc, sụp lún, lồi lõm, cỏ mọc đến đầu gối. Gần 10 năm trở lại đây, thành phố đã lát gạch con sâu thay vì thảm bê-tông ở vỉa hè, nhằm tăng diện tích bề mặt thoát nước đô thị, dễ dàng triển khai thi công hạ tầng như cấp nước, viễn thông, cáp truyền hình... Tuy nhiên, hạn chế là người dân dễ dàng “cải tạo” vỉa hè theo ý mình, một số vị trí rễ cây xanh phá vỡ mặt đường, khiến cỏ dại mọc nhiều hơn hình thức thảm bê-tông như trước đây. Đáng nói là tuyến đường Nguyễn Tất Thành trở nên xộn xộn, nham nhở bởi những người bán hàng ăn nhậu trên vỉa hè. Mỗi quán một kiểu, đào bới thay gạch lát theo ý thích để bày biện bàn ghế, chỗ dựng xe…

Nhiều nơi cùng một tuyến đường nhưng chỗ thì lát gạch con sâu, đoạn trải nhựa, đoạn đổ bê-tông, có đoạn là gạch cao cấp tezzarro. Ngay đầu tuyến đường 60m (đường Nguyễn Sinh Sắc, quận Liên Chiểu), trước quán cà-phê Việt Phố, người dân tự ý đào bới khoảng 20m gạch vỉa hè để trồng một hàng cây trứng cá và tre ngà làm cảnh và tạo bóng mát. Trong nội thành, vỉa hè tuyến đường kiểu mẫu Nguyễn Văn Linh được lát bằng đá granit rất đẹp nhưng không được giữ gìn nên nhiều chỗ gạch bị bong tróc, vỡ, lún.

Ở các khu chung cư (KCC), tình trạng người dân tự lấy đá đem về lát quanh khuôn viên diễn ra khá phổ biến. Đi dọc 4 dãy nhà ở KCC đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc dễ dàng bắt gặp cảnh lộn xộn của các khuôn viên nơi đây. Mặc dù đi vào hoạt động đã lâu, nhưng không hiểu vì sao chủ công trình vẫn bỏ phế các khuôn viên, chưa cho lát đá. Để tạo thuận lợi cho việc buôn bán, hoặc để có chỗ phục vụ cho sinh hoạt gia đình, người dân ở tầng 1 đã tự lát đá các loại.

Chưa quản lý nghiêm?

Việc vỉa hè “bị thương” do nhiều nguyên nhân: người dân kém ý thức, việc kinh doanh bừa bãi, sử dụng vỉa hè làm điểm tập kết vật liệu… Ngoài ra, các đơn vị chức năng đào bới để lắp đặt, sửa chữa công trình giao thông, hệ thống nước, cáp quang cũng khiến vỉa hè bị xâm hại và mau xuống cấp. Điều khó chấp nhận là những hành vi xâm hại, cắt xẻ vỉa hè diễn ra ở nhiều nơi, nhưng ít bị nhắc nhở hay xử lý nghiêm. Chị L.T.H.H (ở KCC đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc) cho biết, nhiều người trộm gạch ở các công trình công cộng xung quanh về lát vỉa hè trước cửa với lý do tầng trên vứt rác xuống bẩn, phải lát đại để cho dễ quét. Ở khuôn viên này thì lát đá tròn, khuôn viên kia thì đá vuông, có khuôn viên trám bằng xi-măng, nhìn rất phản cảm, nhưng có thấy ai xử lý gì đâu.

Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định tùy theo điều kiện cụ thể của từng tuyến đường, cơ quan có thẩm quyền cấp phép được quyền phân định phần vỉa hè sử dụng để làm lối cho người đi bộ và phần vỉa hè sử dụng ngoài mục đích giao thông. Nghiêm cấm việc thực hiện các hoạt động kinh doanh buôn bán vào bất cứ thời gian nào tại vỉa hè thuộc khu vực các cơ quan, trường học, bệnh viện, đình, chùa, miếu, thánh thất, công viên công cộng và khu vực thuộc các di tích lịch sử... Tuy vậy, trên thực tế, những điểm nghiêm cấm nói trên lại là nơi tập trung nhiều người buôn bán và dĩ nhiên vỉa hè những địa điểm đó lại hay xuống cấp nhất.

Việc xử lý những đơn vị, cá nhân xâm hại vỉa hè phải có trách nhiệm tái lập nguyên trạng ban đầu vẫn chưa nghiêm. Phần lớn người dân vẫn tự đắp vỉa hè theo kiểu “áo vá”. Hiện nay, việc quản lý (cho thuê sử dụng một phần vỉa hè) được giao về các địa phương. Một cán bộ quy tắc phường Phước Ninh (quận Hải Châu) nhìn nhận, ý thức một bộ phận người dân kém dẫn đến tuổi thọ của vỉa hè rất ngắn. Để bảo đảm ATGT và mỹ quan đô thị, rất cần lực lượng chức năng các quận, phường tăng cường hơn nữa trong việc kiểm tra, tuyên truyền, giám sát và xử lý mạnh về hành vi xâm phạm vỉa hè.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.