.

Nâng cao kỹ năng thực hành nghề

.

Vấn đề nâng cao kỹ năng thực hành nghề cho người lao động đang được đặt ra bức thiết, khi mức độ hài lòng của xã hội đối với đội ngũ học nghề hiện vẫn rất thấp.

Một buổi thực hành tại Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi. (Ảnh do Trường CĐ nghề Nguyễn Văn Trỗi cung cấp)
Một buổi thực hành tại Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi. (Ảnh do Trường CĐ nghề Nguyễn Văn Trỗi cung cấp)

Kết quả điều tra nhu cầu lao động tại 110 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố của Sở Công thương cho thấy, hơn 95% DN phản ánh khó khăn, vướng mắc họ gặp phải trong quá trình tuyển dụng lao động hiện nay do tay nghề thấp, phải tốn thời gian và kinh phí để đào tạo; 70% DN đề cập đến tâm lý lao động không ổn định, ít tuân thủ kỷ luật; mức độ hài lòng của xã hội đối với đội ngũ lao động còn rất thấp.

Theo phản ánh của nhiều cơ sở dạy nghề, khó khăn lớn nhất họ đang gặp phải trong công tác đào tạo nghề chính là áp lực từ khung chương trình đào tạo chung. Họ phải chạy theo chương trình khung của Bộ nên không thể tự do đào tạo theo nhu cầu và không thể chủ động theo DN. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh nhất định nhưng khung chương trình học vẫn trong tình trạng quá tải, dàn trải, không chuyên sâu. Do đó, khó đáp ứng yêu cầu đối với những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, khan hiếm công nhân, thợ lành nghề.

Đại diện lãnh đạo Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ: “Năm 2008 trở về trước, khung chương trình chung của Bộ áp với một khóa đào tạo của tất cả các trường CĐ nghề trên cả nước là 3.000 tiết/3 năm, nay giảm xuống còn 2.700 tiết, nhưng con số này vẫn quá tải đối với các học viên, các em phải đi học theo kiểu “chạy sô” ở lớp, không còn thời gian nghiền ngẫm, đào sâu kỹ năng nghề. Tỷ lệ lý thuyết/thực hành là 30/70, nhưng trong 30% dành cho lý thuyết lại mất thời lượng học khá lớn cho các môn chính trị, tâm lý, giáo dục quốc phòng... Riêng về chuyên môn, chúng ta đào tạo theo kiểu tràn lan, một học viên học nghề nấu ăn thì phải biết tất tần tật các món nướng, chiên, xào, từ món Âu đến món Á..., tức là đòi hỏi cùng một lúc quá nhiều kỹ năng đối với một học viên, nên khi ra trường, học viên tưởng mình biết hết nhưng thực tế lại không biết gì. Đối với những doanh nghiệp đòi hỏi trình độ nghề đến mức nghệ nhân, học viên sẽ rất khó đáp ứng”. Vì vậy, “cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề cần ngồi lại, tìm tiếng nói chung; tăng tính tự chủ cho các trường là những giải pháp cần kíp”, vị đại diện này nói.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, cho rằng để giải “bài toán” nâng cao kỹ thuật thực hành nghề cho học viên, cần có các giải pháp cơ bản, bao gồm chuyển đổi mô hình dạy nghề theo truyền thống sang mô hình dạy nghề theo năng lực thực hiện, và thay đổi cách đánh giá kết quả học tập trong trường nghề. Theo ông Sơn, lâu nay các cơ sở dạy nghề chưa chú trọng năng lực thực hiện của học viên, tức là hiệu quả, kết quả học tập, vấn đề người học có thể làm được gì sau khi được đào tạo. Mặt khác, phải nhìn nhận thực tế, hiện nay việc đánh giá năng lực học tập của học viên và đánh giá của người sử dụng lao động vẫn còn khoảng cách lớn, thậm chí không phù hợp nhau. Để công tác đào tạo nghề đáp ứng và phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cần xác định sự thành công của một cơ sở dạy nghề phụ thuộc vào tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề hơn là tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi.

Một số chuyên gia còn chỉ ra rằng, yếu tố tâm lý thích làm thầy hơn thợ của đại bộ phận người dân hiện nay cũng là một nguyên nhân dẫn đến tâm lý chùng chình trong rèn kỹ năng nghề của người học nghề. Nhiều học viên “bí” quá mới đi học nghề, dẫn đến chất lượng đầu vào thấp; tình trạng liên thông ĐH, CĐ bát nháo, dễ dãi khiến cử nhân, kỹ sư tràn lan nhưng thợ lành nghề thiếu trầm trọng.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ, phân công lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa hợp lý cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều học viên không thể theo nghề, giỏi nghề sau khi ra trường. Các cơ sở dạy nghề cũng thẳng thắn thừa nhận, ngoài các yếu tố khách quan, chất lượng đào tạo kỹ năng nghề hiện nay chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, một phần do điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tại các cơ sở nghề chưa bảo đảm, đặc biệt đội ngũ thầy giỏi đang thật sự là “cơn khát” đối với hầu hết các trường nghề hiện nay.

Đà Nẵng hiện có 62 đơn vị đào tạo 122 ngành nghề với quy mô tuyển sinh khoảng 46.000 học sinh/năm, trong đó trình độ CĐ và trung cấp nghề chiếm 25,3%, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên chiếm hơn 74%. Dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng cần hơn 600.000 lao động qua đào tạo, giai đoạn 2011-2015 thành phố cần đào tạo nghề cho khoảng gần 200.000 người.

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.