.

Người ngoài tỉnh vi phạm giao thông nhiều

.

Chỉ trong tháng 9-2012, Công an thành phố đã lập biên bản xử phạt 7.380 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó 3.921 trường hợp mô-tô và 3.459 trường hợp ô-tô. Điều đáng nói là trong số 3.921 trường hợp mô-tô vi phạm, thì số mang BKS ngoài tỉnh đã là 1.058 trường hợp.

CSGT lập biên bản xử phạt lỗi đi vào làn đường ô-tô.
CSGT lập biên bản xử phạt lỗi đi vào làn đường ô-tô.

Về tình trạng người ngoài tỉnh điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố vi phạm trật tự ATGT đã được CSGT thành phố nhiều lần phản ánh và đề nghị các cơ quan hữu quan có biện pháp xử lý. Tuy nhiên hầu như lần nào việc bàn cách giải quyết cũng không có kết quả, bởi một lý do rất cũ là Đà Nẵng không thể tổ chức tuyên truyền về ý thức giao thông cho người dân ngoài địa phương mình. Chính tồn tại này đã khiến cho lực lượng CSGT thành phố làm việc khá vất vả, nhất là tại vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế. Mới đây, trước tình hình trật tự giao thông ở vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam khá phức tạp do một số thanh niên của địa phương này đi vào địa phận thành phố Đà Nẵng đã vi phạm nhiều lỗi chủ quan như đi xe máy không đội MBH, đi ngược chiều, đặc biệt là điều khiển xe chạy với tốc độ rất cao, Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước đã phối hợp với Công an huyện Hòa Vang tăng cường tuần tra xử phạt và kết quả đem lại rất khả quan. Tuy nhiên theo nhận xét của lãnh đạo Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước, kết quả này không ổn định vì nếu “lơi” một tí là tình hình ngay lập tức lộn xộn.

Trong khi đó, tại khu vực trung tâm thành phố, người điều khiển mô-tô mang BKS ngoài tỉnh cũng thường xuyên vi phạm các lỗi như đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, chuyển làn đường đột ngột mà không ra hiệu. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực trước cổng Trường ĐH Kinh tế và Đại học Bách khoa Đà Nẵng, rất nhiều sinh viên ngoại tỉnh vẫn giữ thói quen tham gia giao thông giống như ở làng quê mình, thích qua đường chỗ nào thì đi qua, thậm chí chẳng thèm quan sát các phương tiện khác. Rất nhiều sinh viên ngoại tỉnh còn phạm lỗi rất nguy hiểm là cho xe chạy cắt qua dải phân cách nơi không được phép. Không những tỷ lệ vi phạm khá cao, mà việc xử lý các trường hợp này cũng khiến lực lượng CSGT khá vất vả vì họ thường xuyên đưa lý do là “người ở nơi khác đến nên không rành đường” để xin được bỏ qua lỗi của mình.

Bên cạnh những lỗi do chủ quan thì bản thân họ cũng gặp khó khăn vì cách thức tổ chức lưu thông cũng như hệ thống biển hiệu giao thông tại thành phố chưa thật khoa học. Theo phản ánh của anh Lê Văn Cang (ở TP. Tam Kỳ, Quảng Nam), lái ô-tô bị CSGT phía tây cầu Sông Hàn phạt vì lỗi đi qua cầu vào giờ cấm là do bảng cấm treo quá cao và chữ lại quá nhỏ nên ngồi trên ô-tô từ xa không thể nhìn thấy, khi lại gần thì tấm bảng khuất phía trên nên không biết. Đặc biệt, bảng cấm ô-tô ở đầu cầu phía đông đã khiến cho nhiều người lái ô-tô ở ngoại tỉnh đều “dính” phạt vì bảng quá nhỏ lại được treo gần sát chân cầu, vì vậy khi xe đến vị trí thấy được tấm bảng thì cũng là lúc công an tuýt còi rồi, điều này khiến cho nhiều người bức xúc. Ngoài ra, nhiều người ở tỉnh khác bị công an xử phạt lỗi đi vào đường một chiều trên đường Phan Châu Trinh tỏ ra rất khó chịu, bởi theo họ, đoạn từ ngã tư Phan Châu Trinh-Nguyễn Văn Linh đến ngã tư Phan Châu Trinh-Lê Hồng Phong được lưu thông 2 chiều, nên không để ý cứ cho xe chạy thẳng, nhưng đến ngã tư Phan Châu Trinh-Lê Hồng Phong đi về hướng Nhà hát Trưng Vương lại lưu thông 1 chiều, khiến họ không rành đường và bị công an thổi phạt.

Đây là những tồn tại mà cơ quan chức năng hoàn toàn có thể giải quyết được, bên cạnh việc phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, để tất cả mọi người đều đi đúng luật.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.