.

Nhiều đột phá trong xây dựng đội ngũ trí thức

.

Chiều 27-11, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về kết quả thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi làm việc.                               Ảnh: N.T
Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.T

Báo cáo tại buổi làm việc do đồng chí Trần Thọ trình bày nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 27-CT/TW (khóa X), các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố đã nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch… nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của nghị quyết. Trong quá trình thực hiện, nhằm hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức, lãnh đạo thành phố quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học và nghệ thuật; thực hiện một số chính sách đột phá nhằm thu hút nhân lực, đào tạo nhân tài, áp dụng nhiều chính sách để trí thức khoa học - công nghệ gắn bó hơn với sản xuất và đời sống phục vụ sự nghiệp phát triển thành phố; quan tâm xây dựng các cơ sở về khoa học và công nghệ; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh... Thành phố đã thực hiện chính sách riêng có trong trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ngày càng được chú trọng nhằm đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động...

Nhờ đó, đội ngũ trí thức ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá, so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thành phố còn thiếu các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học trên các lĩnh vực. Sự phân bố đội ngũ trí thức, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học không đều; chủ yếu tập trung tại các cơ quan, đơn vị ở khối các đơn vị Trung ương và một số cơ quan thành phố với các ngành: giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, xây dựng, thông tin và truyền thông. Trong khi đó, các ngành quản lý kinh tế như công thương, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính; các ngành phục vụ cho yêu cầu chỉnh trang đô thị như: giao thông vận tải, quản lý đô thị, môi trường... thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên sâu còn ít.

Từ thực tiễn xây dựng đội ngũ trí thức tại địa phương, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiến nghị với Trung ương xem xét xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; điều chỉnh các chính sách về quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ và trí thức nữ. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, đóng góp của đội ngũ trí thức, cần cụ thể hóa các văn bản pháp quy, hướng dẫn các quy định chung về đãi ngộ nhân tài; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý về văn học và nghệ thuật, khoa học và công nghệ... Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ mang tính đột phá đối với các văn nghệ sĩ, trí thức khoa học và công nghệ có tài năng sáng tạo đặc biệt, có uy tín cao trong giới văn học và nghệ thuật, khoa học và công nghệ.

Các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc đã nêu bật vai trò của Nghị quyết số 27-NQ/TW đối với sự phát triển của đội ngũ trí thức trong thực tiễn; đánh giá đúng đắn vai trò, trách nhiệm và tinh thần, thái độ của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của thành phố; nêu bật những chính sách sáng tạo, đột phá của thành phố đối với đội ngũ trí thức... Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhấn mạnh những vướng mắc trong tổ chức thực hiện nghị quyết; đặc biệt là thể chế hóa các nội dung của nghị quyết còn chậm trễ dẫn đến những khó khăn về xây dựng môi trường làm việc, thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh trí thức còn hạn chế...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng, Đà Nẵng đã triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW một cách nghiêm túc; cụ thể hóa và lồng ghép vào các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của thành phố; đẩy mạnh việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị một cách chặt chẽ... Đặc biệt, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong việc thu hút và trọng dụng trí thức, không quá câu nệ vào quy định của cấp trên. Đồng chí cũng đánh giá cao tính sáng tạo, táo bạo của thành phố trong việc  thành lập các trung tâm, đơn vị trên các lĩnh vực nhằm tập hợp, thu hút, phát huy vai trò, thế mạnh của trí thức vào sự phát triển. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức vẫn chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng so với yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa mạnh mẽ của thành phố; việc phân bổ chưa đồng đều trên các lĩnh vực, ngành; nhiều chương trình còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị thành phố cần tập trung nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ. Trong điều kiện của mình, thành phố vừa đề xuất, kiến nghị giải quyết những vướng mắc nhưng đồng thời vừa cụ thể hóa, thể chế hóa những nội dung của nghị quyết thành các chính sách cụ thể, phù hợp thực tiễn để xây dựng đội ngũ trí thức. Đồng chí cũng đề nghị cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng cho đội ngũ trí thức; làm cho đội ngũ trí thức nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của thành phố và của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

N.T

;
.
.
.
.
.