.

Những cuộc gọi bất thường!

.

“Alô! Các bác đang ở tọa độ nào ạ? Mọi người vẫn khỏe chứ? Bác cho tàu vào bờ sớm nhé vì sắp có bão…”. Những ngày này, tại Trung tâm Thông tin thuộc Đồn Biên phòng 248, Đại úy Trần Văn Hưởng (nhân viên thông tin) luôn nhận được những cuộc gọi bất kể giờ nào của ngư dân đang ở ngoài khơi xa. Gần chục năm trong nghề, Đại úy Hưởng hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc đưa thông tin chính xác, kịp thời đến với ngư dân.

Bộ đội Biên phòng giúp dân kéo thuyền vào bờ tránh bão tại cửa biển Đà Nẵng.
Bộ đội Biên phòng giúp dân kéo thuyền vào bờ tránh bão tại cửa biển Đà Nẵng.

“Ở ngoài khơi xa, nghe giọng nói từ đất liền tụi tui thấy ấm lòng và vững dạ hơn nhiều. Nhờ những thông tin từ chú Hưởng mà chúng tôi có thể xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra”, thuyền trưởng Lê Văn Chiến (46 tuổi, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nói. Chỉ mới đây thôi, tàu cá ĐNa-90351 của anh Chiến khi đang đánh lưới vây ở tọa độ 17044’B và 11050’Đ thuộc vùng biển Hoàng Sa thì nhận được tin báo về cơn bão số 2. Con tàu lao đi trong màn đêm chạy về bờ hướng Đà Nẵng để tránh bão. Gió giật cấp 9, 10 như muốn hất tung cả tàu. Chẳng may, thuyền viên Lê Văn Ánh (44 tuổi, ở phường Thanh Khê Đông) bị gió đập mạnh vào tàu, chấn thương nặng ở chân phải và lên cơn sốt. Khi đó, tàu cách bờ hơn 300 hải lý. Sau khi nhận được thông tin cấp cứu từ tàu anh Chiến, Đại úy Hưởng lập tức báo cáo lên cấp trên, đồng thời kết nối liên lạc và tạo điều kiện cho anh Chiến nói chuyện với bác sĩ. Nhờ được hướng dẫn cấp cứu kịp thời, đúng cách, anh Ánh đã thoát khỏi hiểm nghèo. Hơn 1 ngày sau đó, tàu cập bờ an toàn, anh Ánh được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng để chữa trị tiếp.

Có những lúc thuyền viên bị thương và chủ tàu thường không báo về gia đình vì sợ lo lắng mà điện thẳng đến Trung tâm Thông tin ở Đồn Biên phòng 248. Bên cạnh những thông báo đầy ắp niềm vui về những mẻ lưới đầy khoang, không hiếm khi các chiến sĩ trực thông tin còn phải xử trí trước những tình huống khó, nhất là những khi tàu ở xa, chưa thể ứng cứu kịp. “Đôi lúc vì quá lo lắng, ngư dân nổi giận, trách móc với mình cũng là chuyện thường tình. Điều quan trọng là mình phải bình tĩnh, trấn an và tìm cách giúp họ”, Đại úy Hưởng thổ lộ. Điều mà anh Hưởng không nói nhưng tôi biết, ấy là những đêm thức trắng khi có bão, những phút căng thẳng của các chiến sĩ thông tin không kém gì con tàu đang ở vùng tâm bão. Và sau mỗi đợt bão tan, tàu lại trở về bình yên trong niềm hạnh phúc, tiếng thở phào của những người canh bão.

Bài và ảnh: KIM NGÂN
 

;
.
.
.
.
.