.

Phải thực sự là “cây gậy” phòng ngừa tham nhũng

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý cho công tác PCTN nhưng sau gần 6 năm thực hiện luật đã bộc lộ những hạn chế, nhất là tính minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập và xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng. Do vậy, tại Kỳ họp thứ 4 này Quốc hội sẽ sửa đổi Luật PCTN. Cử tri mong đợi luật được sửa đổi sẽ thực sự là “cây gậy” có tính răn đe, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn.

Phải có cơ chế để xã hội giám sát kê khai tài sản

Trong tờ trình của Chính phủ về dự án sửa đổi Luật PCTN ghi rõ bất cập về minh bạch tài sản, thu nhập: Công tác kê khai tài sản, thu nhập (KKTSTN) tuy đã triển khai trên diện rộng nhưng còn hình thức, tác dụng phòng ngừa TN hạn chế, hiệu quả thấp. Luật chưa giúp cơ quan có thẩm quyền theo dõi được biến động về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai để từ đó áp dụng biện pháp phòng ngừa, phát hiện TN. Bên cạnh đó, việc xác minh tính trung thực trong kê khai còn ít được thực hiện. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH cũng nhận định: Việc kê khai, minh bạch tài sản nhìn chung là hình thức, hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện TN rất thấp. Tại buổi lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật PCTN do Đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng tổ chức vừa qua cũng nhận được nhiều ý kiến tương tự và cho rằng: Việc KKTSTN hiện nay vẫn đóng và kín. Kết quả kê khai không được công khai nên không thể biết việc kê khai đó là thế nào. Vì thế khó có thể phòng ngừa, ngăn chặn TN một cách hiệu quả từ quy định này. Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi quy định KKTSTN cần phải sửa theo hướng phải công khai ở phạm vi rộng hơn, có quy định phải chứng minh được nguồn gốc của tài sản, thu nhập. Khi cơ quan có thẩm quyền xác minh phát hiện sự thiếu trung thực trong KKTSTN mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được thì cần có quy định xử lý phần TSTN mà người đó kê khai không trung thực.

Ông Đỗ Thành Nhân, hội viên Hội Luật gia thành phố cho rằng sửa Luật PCTN cần tạo cơ chế công khai minh bạch TSTN của người có nghĩa vụ kê khai để toàn xã hội giám sát. Ai đó có tài sản kếch xù, sống xa hoa thì rõ ràng người dân có quyền đặt câu hỏi: Tài sản này liệu có phải từ lương hay xuất phát từ thu nhập nào? Thu nhập đó hợp pháp hay không? Nếu có dữ liệu thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của luật được cập nhật trên Internet như các nước phát triển thì cơ quan chống TN sẽ dễ dàng phát hiện những người có nghĩa vụ KKTSTN nhưng kê khai không trung thực. Báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi Luật PCTN của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị: Để việc kê khai, minh bạch TSTN thực sự trở thành biện pháp PCTN cần phải tạo cơ chế pháp lý cụ thể, đầy đủ cho việc kê khai, minh bạch TSTN, nhất là xác minh tài sản. Đây là bước quan trọng kiểm soát được TSTN của người có nghĩa vụ kê khai.

Trách nhiệm người đứng đầu phải rõ ràng

Theo báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi Luật PCTN của Ủy ban Tư pháp, các báo cáo về công tác PCTN hằng năm của Chính phủ cũng như qua công tác giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy: Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu (NĐĐ) đơn vị để xảy ra TN còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Nguyên nhân của tình trạng này do Luật PCTN quy định còn quá chung chung. Đó là chưa có khái niệm cụ thể về NĐĐ, chẳng hạn khi có hành vi TN ở bộ, ngành thì NĐĐ được xác định là trưởng phòng, vụ trưởng, cục trưởng, tổng cục trưởng hay bộ trưởng. Tương tự khi có hành vi TN ở địa phương thì NĐĐ là ai và trách nhiệm của các vị trí quản lý có liên quan đến đâu cũng chưa được làm rõ. Dự án sửa đổi Luật PCTN quy định NĐĐ có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện TN và chính NĐĐ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 68 và 72) là không khả thi. Bởi vì càng tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện ra càng nhiều hành vi TN thì NĐĐ càng bị xử lý nặng. Do đó không tránh khỏi hành vi NĐĐ bao che, che giấu hành vi TN của cấp dưới. Tại buổi góp ý sửa đổi Luật PCTN do Đoàn đại biểu QH thành phố tổ chức, các chuyên gia cũng cho rằng: Quy định về xử lý trách nhiệm của NĐĐ chung chung dẫn đến NĐĐ dường như vô can hoặc được “ quyền miễn trừ” khi xảy ra hành vi TN ở đơn vị mình. Do đó sửa đổi Luật PCTN lần này cần phải có khái niệm rõ ràng về NĐĐ, đồng thời cần quy định chế tài cụ thể đối với NĐĐ và cấp phó của NĐĐ khi để xảy ra TN tại đơn vị mình. Tại các cuộc tiếp xúc của Đoàn đại biểu QH thành phố trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, nhiều cử tri bày tỏ: Từ khi có Luật PCTN lại phát hiện nhiều vụ TN mà vụ sau lớn hơn vụ trước. Rõ ràng pháp luật PCTN chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Do đó cần phải sửa đổi, bổ sung Luật PCTN để thực sự là “cây gậy” hiệu quả, có tác dụng PCTN.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.