.
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Nhìn từ đào tạo nghề

.

Đào tạo nghề hiệu quả góp phần phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật và dịch vụ, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề ở Đà Nẵng còn bộc lộ những hạn chế.

Học viên Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải đường bộ (quận Thanh Khê) thực tập tại một công trình trên địa bàn thành phố.
Học viên Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải đường bộ (quận Thanh Khê) thực tập tại một công trình trên địa bàn thành phố.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Đà Nẵng đạt 39%, cao hơn so với cả nước (cả nước đạt 33%), nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Bởi lẽ, theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Đà Nẵng trong 5 năm đến, lao động qua đào tạo nghề phải đạt 55%. Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 62 cơ sở đào tạo nghề, bao gồm 24 cơ sở công lập và 38 ngoài công lập. Với 386 danh mục nghề đào tạo ở trình độ CĐ, 462 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp, đến nay Đà Nẵng đang đào tạo 132 ngành nghề ở các cấp trình độ, trong đó các ngành nghề thuộc nhóm nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 3,3%; công nghiệp, xây dựng chiếm 31%; thương mại dịch vụ với 65,2%.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng thừa nhận: “Một số ngành nghề thuộc nhóm ngành kỹ thuật và dịch vụ như hàn công nghệ cao, công nghiệp ô-tô, lắp đặt điện, điện công nghiệp, dịch vụ nhà hàng... vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn trình độ đào tạo”.

Ngành nghề đào tạo chưa bám sát với yêu cầu cũng là một thực tế. Chẳng hạn, việc đào tạo nghề lái ô-tô hiện nay chiếm 29,5% trên tổng số tuyển sinh đào tạo hằng năm trong khi tỷ lệ lao động phục vụ cho phát triển kinh doanh, dịch vụ ở ngành nghề này chỉ đạt 0,65%. Nhiều cơ sở dạy nghề ở Đà Nẵng chủ yếu đào tạo ngắn hạn, tập trung vào một số ngành nghề đơn giản như điện dân dụng, cơ khí gò hàn, may công nghiệp... Trong khi đó, chưa chú trọng đầu tư cho các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như cơ khí chế tạo máy, hàn công nghệ cao, công nghệ ô-tô. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho biết, hầu hết học viên của các cơ sở dạy nghề được tuyển đều phải đào tạo lại.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạ Vy, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng: “Tỷ lệ lao động hoạt động trong ngành dịch vụ của thành phố tăng mạnh trong giai đoạn 2005-2011 nhưng tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành dịch vụ vẫn dậm chân tại chỗ. Điều đó cho thấy chất lượng lao động của ngành chưa tác động tích cực đến tăng trưởng”.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Việc đầu tiên cần làm là phải tăng cường xúc tiến các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương cho việc đầu tư nâng cấp, thành lập mới các cơ sở đào tạo và chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Chẳng hạn, thành phố nên ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức theo Đề án 922; đầu tư các cơ sở đào tạo nghề do thành phố quản lý và đầu tư đào tạo nghề cho đối tượng yếu thế”.

Hiện nay thực trạng thiếu lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố khá phổ biến, việc sử dụng lao động phổ thông (chưa qua đào tạo) diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Theo khảo sát của Sở Công thương, số lượng công nhân có tay nghề cao (bậc 6, 7) rất ít ỏi và chủ yếu làm việc trong các khu vực kinh tế Nhà nước.

Để giải quyết tình trạng trên, theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, cần phải có hệ thống cơ sở đào tạo nghề phù hợp, đa dạng, đáp ứng được yêu cầu lao động cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành mới. Việc cải tiến, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, tăng cường liên kết đào tạo phải được tiến hành đồng bộ, làm sao để lao động sau khi đào tạo có thể đáp ứng được ngay yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp, nhà máy. “Nhà nước cần thay đổi khung pháp lý, có chính sách, hướng dẫn phù hợp cho hoạt động dạy nghề và đánh giá người học nghề theo năng lực xã hội để dạy nghề có thể hội nhập thị trường lao động khu vực và thế giới”, Thạc sĩ Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đà Nẵng nhìn nhận.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.