.

Quốc hội quyết định tăng lương từ 1-7-2013

.

Với 453/460 đại biểu tán thành, chiều nay (10-11), Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình tiếp thu về thực hiện ngân sách 2012 và dự toán ngân sách 2013, chiều 10/11
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình tiếp thu về thực hiện ngân sách 2012 và dự toán ngân sách 2013, chiều 10-11

Một trong những nội dung đáng chú ý của nghị quyết là Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng và điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu, thực hiện từ ngày 1-7-2013.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Quốc hội thống nhất tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 816.000 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 978.000 tỷ đồng.

Điều đó đồng nghĩa với mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Với việc thông qua nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; đồng thời, bảo đảm nguồn thu trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và thu nhập của các tầng lớp dân cư, tránh giảm thu lớn do điều chỉnh chính sách thu, nhất là khi chưa có phương án bù đắp.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ kịp thời sửa đổi, hoàn thiện chính sách, chế độ, định mức không còn phù hợp với thực tế, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý, bảo đảm chi tiêu công hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.  Quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng...

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu chính phủ được quy định tại Nghị quyết số 12/2011/QH13 của Quốc hội là 225.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015, căn cứ vào khả năng và hiệu quả sử dụng vốn, phát hành không quá 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2013, đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu chính phủ đã ứng trước của năm 2013.

Ngoài những vấn đề trên, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải tích cực thu hồi các khoản tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ khi thực sự cấp bách. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ.

VnEconomy

;
.
.
.
.
.