Sau 12 ngày Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ thay thế, bổ sung sửa đổi một số điều của Nghị định 34/CP, trong đó có quy định về việc xử lý đối với hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” (gọi tắt là không sang tên, đổi biển số), theo ghi nhận của chúng tôi, người dân thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương đi sang tên, đổi biển số xe theo quy định.
Do chưa hiểu rõ bản chất của Nghị định 71 nên nhiều người điều khiển phương tiện giao thông không chính chủ sợ bị CSGT thổi phạt. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Hàng trăm trường hợp xin sang tên, đổi biển số
Những ngày gần đây, có mặt tại các điểm đăng ký xe máy thuộc Công an các quận, huyện, chúng tôi ghi nhận việc người dân đi sang tên, đổi biển số xe tăng đột biến. Tại điểm đăng ký xe - Đội CSGT Công an quận Thanh Khê, mới 8 giờ đã có nhiều người đến xin làm thủ tục sang tên. Ông Nguyễn Văn Hào (trú phường Hòa Khê) cho biết, ông mới mua lại chiếc xe máy cách đây 20 ngày, khi nghe thông tin Nghị định 71 quy định xử phạt người điều khiển phương tiện xe máy không chính chủ từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng nên ông đi chuyển quyền sở hữu.
Đại úy Nguyễn Thị Hoàng Vân, Đội phó Đội CSGT Công an quận Thanh Khê cho biết, hơn 10 ngày nay, số lượng người đến sang tên, đổi biển số xe máy tăng gấp đôi. Đến nay đã có 82 trường hợp sang tên, đổi biển, chưa kể hàng trăm trường hợp đến hỏi thủ tục cấp đổi khác đã được lực lượng CSGT giải thích cặn kẽ.
Tại các tổ tiếp dân thuộc Đội CSGT Công an quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang, trong 10 ngày qua cũng có hàng trăm trường hợp đến xin sang tên, đổi biển số.
Cũng như xe máy, nhiều người mua lại phương tiện ô-tô cũng đi sang tên, đổi biển số. Bởi theo quy định, đối với ô-tô, nếu không sang tên, đổi biển số sẽ bị phạt lên đến 10 triệu đồng. Theo Trung tá Ngô Thị Xuân Hương, Đội phó Đội đăng ký xe, Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng, số lượng đến sang tên, đổi biển ô-tô những ngày nay tại phòng tăng lên gấp đôi so với trước. Đã có 61 trường hợp đến xin sang tên, đổi biển số trong vòng 10 ngày qua.
Không xử phạt xe mượn, xe thuê
Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19-9-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP, với việc tăng nặng các mức phạt, trong đó quy định: Đối với chủ xe mô-tô, xe gắn máy và ô-tô không chuyển quyền sở hữu sẽ bị phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng đối với mô-tô, xe gắn máy; 6-10 triệu đồng đối với ô-tô. Sau khi Nghị định có hiệu lực (ngày 10-11-2012), nhiều người dân hoang mang vì cho rằng, đi xe mượn, xe thuê, xe của người thân trong gia đình cũng bị xử phạt.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, khi tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện trường hợp xe có giấy đăng ký nhưng tên của chủ xe không trùng với tên của người lái xe và trong trường hợp người lái xe trình bày, chứng minh được việc đi xe mượn, xe thuê, xe của gia đình… thì không xử phạt hành vi “mua, bán xe không sang tên”. Tuy nhiên, đối với trường hợp khi lực lượng CSGT phát hiện, xác định rõ vi phạm “mua bán xe không sang tên” thì xử phạt trường hợp quá 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký theo quy định.
Theo Đại tá Nguyễn Đến, việc xử phạt xe không chuyển quyền sở hữu đã có từ Nghị định 34, Nghị định 71 chỉ tăng mức xử phạt nhằm răn đe, phòng ngừa; đồng thời để tránh tình trạng những trường hợp đi xe không chính chủ gây tai nạn hoặc lợi dụng đi gây án sau đó vứt xe. Khi cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm tung tích chủ xe thì người chủ xe đã chuyển đi nơi khác, quá trình điều tra của cơ quan Công an sẽ gặp khó khăn. Cụ thể, mỗi năm cơ quan Công an lập biên bản hàng trăm phương tiện xe máy không chính chủ vi phạm an toàn giao thông nhưng sau đó họ bỏ xe, không đến nộp phạt.
Hiện nay, việc sử dụng xe chính chủ, không chính chủ ở thành phố Đà Nẵng chưa áp dụng việc xử phạt. Lực lượng CSGT đang tiếp tục tổ chức tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định của Nghị định và chỉ xử phạt các hành vi do lỗi trực quan khi điều khiển phương tiện gây ra.
NGỌC PHÚ