Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng có nhiệm vụ quản lý, duy tu, sửa chữa trên 307km đường bộ, trong đó chủ yếu là đường nội thị và 37 cầu các loại, có tổng chiều dài trên 6.000 mét. Việc duy tu, sửa chữa các đường trong đô thị ngoài các tiêu chuẩn về kỹ thuật, thời gian thi công nhanh là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Theo quy định, việc sửa chữa đường trong đô thị phải hoàn thành trong vòng 48 giờ để bảo đảm giao thông và ATGT, đồng thời phải hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường.
Thi công vật liệu Carboncor - Asphalt trên đường 2 tháng 9. |
Trước đây, do công nghệ lạc hậu, việc thi công sửa chữa đường trong đô thị vừa kéo dài, vừa gây ô nhiễm và đôi khi gây ách tắc giao thông. Phương pháp thi công chủ yếu công nghệ cũ là đốt nấu nhựa đường ngay hiện trường. Nhược điểm của cách làm này là thời gian thi công dài, phải đốt lửa nấu nhựa nên gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường, thời gian giải phóng mặt bằng lâu. Để khắc phục nhược điểm trên, trong 2 năm qua, công ty đã tìm tòi và áp dụng nhiều công nghệ mới, vừa rút ngắn thời gian thi công vừa nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn cho người và xe lưu thông trên đường. Một trong những giải pháp công nghệ hiệu quả là sử dụng các loại vật liệu mới. Hiện công ty sử dụng 3 loại vật liệu mới là bê-tông nhựa nguội thay cho bê-tông nhựa nóng, ưu điểm là không phải đốt lửa nấu nhựa trên đường mà sản xuất ngay tại cơ sở sản xuất của công ty, vừa chủ động, vừa nhanh và bảo đảm an toàn cho người và xe lưu thông trên đường. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là không thi công được khi trời mưa. Loại vật liệu thứ 2 có hiệu quả phòng ngừa và kéo dài tuổi thọ của mặt đường là phương pháp sử dụng vật liệu TL-2000 (theo công nghệ của Israel), triển khai sửa chữa ngay khi mặt đường có biểu hiện rạn chân chim (giai đoạn đầu của hư hỏng). Loại vật liệu thứ 3 đang được thử nghiệm nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội, có tên gọi là Carboncor - Asphalt nguồn gốc từ Nam Phi. Ưu điểm nổi bật nhất của loại vật liệu này là sử dụng dung môi là nước, nên có thể thi công trong điều kiện trời mưa nhỏ, phương pháp thi công đơn giản, năng suất cao, giảm nhân công, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt là thời gian đông kết vật liệu trong khoảng từ 2 đến 4 giờ nên rút ngắn thời gian giải phóng mặt đường và chủ động trong thi công. Ngoài ra, loại vật liệu này có ưu điểm nổi trội là có thể thi công sửa chữa với lớp nhựa mỏng từ 1 đến 3 cm và có tính mỹ thuật cao. Tuy nhiên, phương pháp này giá thành cao. Trên tuyến đường Trần Phú đoạn từ đường Hoàng Văn Thụ đến đường Nguyễn Văn Linh (nối dài) và một số đoạn trên tuyến QL 14B sử dụng loại vật liệu này cho thấy hiệu quả vượt trội. Với việc áp dụng nhiều loại vật liệu nói trên, đến hết tháng 10-2012, công ty đã thực hiện giá trị sản lượng trên 21 tỷ đồng, đạt trên 90% kế hoạch. Công ty đang triển khai sửa chữa hơn 10 tuyến đường phục vụ Tết Quý Tỵ 2013.
Công ty đang tập trung nghiên cứu đề tài khoa học “Áp dụng lớp phủ nhựa, phục vụ cho công tác sửa chữa đường bộ Đà Nẵng” nhằm từng bước đổi mới công nghệ và chuẩn hóa các phương pháp sửa chữa đường bộ đô thị. Đó là sử dụng đá dăm chống rạn nứt chân chim và hiện tượng trơ đá mặt đường bê-tông nhựa…, chống hiện tượng gây ra ổ gà của mặt đường trên đường phố. Nếu đề tài này được triển khai sẽ tận dụng được một số vật liệu sẵn có ở địa phương, chủ động trong thi công và kéo dài tuổi thọ của đường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH