(ĐNĐT) - Thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi chiều 15-11, các ĐBQH đề nghị cần có thái độ rõ ràng trong Hiến pháp về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, cần làm rõ vai trò của Chủ tịch nước trong giám sát các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu với QH. Có ĐB lại đề xuất bổ sung quy định về từ chức để phù hợp với chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm đang bàn hiện nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 15-11. |
Thể chế hóa mô hình chính quyền địa phương
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị, cần có thái độ rõ ràng trong Hiến pháp về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, vì hiện nay, trong dự thảo không thấy có những sửa đổi căn bản, quan trọng thể hiện quan điểm của Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết Trung ương Đảng liên quan về việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có bộ máy chính quyền địa phương.
"Đó là bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp, về mô hình tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở đô thị, nông thôn. Có như vậy mới làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa nhân dân với nhà nước một cách rõ ràng hơn, thể hiện cụ thể bản chất nhân dân của chính quyền nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Chính điều này càng khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong quan hệ với quyền làm chủ của nhân dân theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân", ông Huỳnh Nghĩa phân tích.
Dẫn chứng chủ trương nghiên cứu chính quyền đô thị đã được Chính phủ giao cho thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng lập đề án mấy năm nay, ĐB Nghĩa đề nghị Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần xác định địa vị pháp lý của Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường.
Theo ĐB, cả hai phương án được đưa ra trong dự thảo chỉ là sự đôi co về câu chữ, vì chỉ có khác nhau duy nhất ở cụm từ “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”, mà không hề làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, đó là cơ quan đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương.
ĐB đề nghị trong dự thảo cần phải có cơ chế rõ ràng về mặt pháp lý theo đúng tư tưởng của Bác Hồ và Đảng ta để Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực trên thực tế, đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của địa phương, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và góp phần cho sự phát triển chung của đất nước.
Đề xuất bổ sung quy định từ chức vào Hiến pháp
Các ĐBQH đều tán thành với việc Hiến pháp bổ sung vấn đề "kiểm soát" giữa các nhánh quyền lực, song cần làm rõ nội hàm. Đặc biệt là xác định vị trí, vai trò của các cơ quan hành pháp, tư pháp.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất, Hiến pháp sửa đổi cần xem lại một số quy định về mối quan hệ giữa Thủ tướng và Chính phủ.
Bà Khánh phân tích, cả Hiến pháp hiện hành và dự thảo sửa đổi đều quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng và của Chính phủ với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong quản lý nhà nước. Song quy định này đang bộc lộ nhiều bất cập trong thực tế và cần phải được sửa đổi.
Đó là, mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đang có sự chồng chéo, trùng lặp lẫn nhau. Mỗi khi tổng kết nhiệm kỳ, chỉ thấy Chính phủ báo cáo tổng kết chung chứ không có tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng.
"Trong khi Hiến pháp một số nước mà chúng tôi tham khảo chỉ quy định quyền hạn trách nhiệm của Chính phủ chứ không quy định quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng. Có như vậy mới khắc phục được sự chồng chéo, mâu thuẫn", bà Khánh nói.
Bà Khánh kiến nghị thêm, hiện nay QH đang bàn đề án bỏ phiếu tín nhiệm. Các chức danh nếu không đạt tín nhiệm thì sẽ phải từ chức. "Tôi đề nghị phải bổ sung vào Hiến pháp quy định về vấn đề từ chức", bà Khánh đề xuất.
Chủ tịch nước giám sát chức danh do QH phê chuẩn?
Nhiều ý kiến khác phân tích thêm về việc mở rộng quyền của Chủ tịch nước.
Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Hiến pháp cần làm rõ vai trò của Chủ tịch nước trong vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang và điều hòa phối hợp hoạt động với các cơ quan lập pháp, hành pháp.
Đặc biệt, hiện nay còn chưa rõ vai trò của Chủ tịch nước trong giám sát các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu và QH bầu, phê chuẩn. "Dường như vai trò của Chủ tịch nước chỉ là hợp lý hóa các thủ tục hành chính", ông Tiến nói.
ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) góp ý, dự thảo sửa đổi đã ghi Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang, đồng thời là chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh song nội hàm lại chưa được giải thích rõ.
Thực tế, Đảng lãnh đạo quân đội về mọi mặt, trong đó, Tổng bí thư là Bí thư quân ủy Trung ương. Còn Chủ tịch nước giữ một vai trò khác.
"Vai trò của Chủ tịch nước với lực lượng vũ trang là gì? Có phải chăng là vấn đề tổ chức chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", ông Trường nói.
Ông Trường cũng đề nghị làm rõ nội hàm của vị trí "Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh". Đó là phải có trách nhiệm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận vũ trang để khi xảy ra chiến tranh sẽ dễ dàng huy động lực lượng.
"Chứ nếu không chỉ có xác định là tổng động viên huy động lực lượng, phương tiện khi có chiến tranh xảy ra mà không chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ ngay từ trong thời bình? Vì vậy mới có câu là lo giữ nước từ khi nước còn thịnh vượng", ông Trường nói.
Quy định rõ vai trò của Hội đồng bảo hiến
Nhiều ĐB khác cũng đề xuất quy định rõ vai trò của Hội đồng bảo hiến trong Hiến pháp.
Theo ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), chế định hội đồng bảo hiến sẽ giúp QH kiểm tra tính hợp hiến hợp pháp và phát hiện văn bản vi hiến.
"Thực tế, việc bảo vệ Hiến pháp đang giao cho nhiều cơ quan. Từ cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ủy ban pháp luật. Các cơ quan này đã cố gắng rất nhiều nhưng chưa đạt kết quả, còn hạn chế nên rất cần có một cơ quan độc lập để giúp cho QH trong bảo vệ Hiến pháp", ông Luyến nói.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho rằng, hiện nay, cơ chế kiểm soát để tránh tình trạng ban hành văn bản "vi hiến" hiện nay vẫn còn phân tán, tản mát. Do đó, việc thành lập Hội đồng bảo hiến có ý nghĩa rất quan trọng.
ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, việc nghiên cứu, thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến là bước tiến mới, cũng là quá trình cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định và được thể hiện tại Điều 2 dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
"Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm đề xuất Quốc hội thảo luận, thành lập cơ quan này theo hướng là một cơ quan có chuyên môn cao, hoạt động thường xuyên, quy tụ những chuyên gia pháp luật đầu ngành và kỳ cựu của đất nước, có trình độ pháp lý cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Đồng thời, làm việc hết lòng, hết sức nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Có như vậy, cơ chế bảo hiến mới phát huy được hiệu quả trên thực tế, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn", ông Nghĩa đề nghị.
Hữu Hoa - VietNamNet